(GLO)- Hầu hết người khiếm thị trên địa bàn tỉnh không biết chữ, không nghề nghiệp, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình và xã hội. Vì thế, những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn nỗ lực kêu gọi những tấm lòng hảo tâm chung tay giúp hội viên vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 372 hội viên. 6 năm qua, Hội đã vận động quyên góp hàng tỷ đồng (tiền mặt và vật chất) để giúp 30 hội viên học nghề, tạo việc làm tại 2 cơ sở massage của Hội; cho 7 người mù vay vốn sản xuất, chăn nuôi; sửa chữa và xây mới 7 căn nhà cho người mù khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 300 triệu đồng; trợ cấp gạo thường xuyên cho 1 người mù có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Ia Lang (huyện Đức Cơ). Vào các dịp lễ, Tết, Hội cũng đến thăm, tặng hàng trăm suất quà với tổng số tiền trên 600 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, Hội còn thường xuyên đến từng gia đình người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, vận động họ tham gia Hội để được hưởng các chế độ chăm sóc và có điều kiện học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh tặng quà cho người khiếm thị. Ảnh: Đ.Y |
Mặc dù bị mù cả 2 mắt nhưng ông Trần Văn Tư (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Cuối năm 2015, ông được Hội cho mượn 20 triệu đồng để mua 5 con bò giống về nuôi. Đến nay, đàn bò của ông đã phát triển lên 9 con. “Ngoài đàn bò, gia đình tôi còn có 1,5 ha cà phê, 300 trụ hồ tiêu và hàng ngàn cây bời lời. Năm 2017, gia đình tôi thu được gần 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định, có điều kiện chăm sóc con cái”-ông Tư chia sẻ.
Sống trong cảnh mù lòa đã 28 năm, chị Rơ Lan Ping (làng Yip Rông, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp 405.000 đồng/tháng. Khi được Hội Người mù tỉnh xây tặng căn nhà khang trang, chị Ping vô cùng hạnh phúc. “Nếu không có Hội xây tặng nhà thì không biết đến khi nào tôi mới có nhà ở khang trang. Trước đây, tôi ở trong căn nhà cũ xập xệ, gió lùa thông thống. Vào mùa mưa, nhiều đêm không ngủ được, mưa ướt hết, phải ngồi co ro đợi mưa tạnh”-chị Ping nói.
Còn với chị Trần Thị Hà (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) bị mù từ nhỏ nhưng đã phần nào tìm được ánh sáng cho cuộc đời khi tham gia khóa học nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền tại Trung tâm Dạy nghề Phục hồi chức năng Thừa Thiên-Huế. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, nhờ sự giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh, chị Hà được nhận vào làm việc tại cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt 21 Nguyễn Du (TP. Pleiku). Với tinh thần chịu khó học hỏi, chị Hà ngày càng nâng cao tay nghề và có mức thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng. “Thu nhập tuy chưa phải cao nhưng với người mù như tôi thì như thế cũng ổn định rồi. Cái chính là tự mình làm ra tiền để nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc gia đình”-chị Hà cho hay.
Tuy nhiên, số người mù trên địa bàn tỉnh được giúp đỡ trong thời gian qua chưa nhiều. Người mù chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều người trong số họ rất mong muốn được giúp đỡ sửa chữa, xây mới nhà ở; vay vốn phát triển sản xuất; học chữ, học nghề phù hợp với khả năng. Tuy nhiên, các hoạt động giúp đỡ người mù thời gian qua chủ yếu là từ nguồn vận động xã hội hóa. Dù Hội Người mù tỉnh đã cố gắng vận động bằng nhiều hình thức nhưng còn nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. “Hiện nay, Hội Người mù tỉnh chưa thành lập được Hội ở cấp huyện, phương tiện đi lại không có. Vì thế, người mù vẫn chưa được chăm sóc một cách thiết thực”-ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Thời gian tới, Hội vẫn xác định dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì thế, Hội rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, đoàn thể, những tấm lòng hảo tâm để thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng-Giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho người mù, người khuyết tật. Vì đây là cơ sở để người khiếm thị trên địa bàn tỉnh được quan tâm thường xuyên hơn, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, giảm gánh nặng cho xã hội.
Đinh Yến