Giá hồ tiêu vào chu kỳ "rung lắc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 (GLO)- Chỉ trong khoảng 20 ngày, giá hồ tiêu liên tục biến động, có lúc vọt lên đến 80 ngàn đồng/kg, sau đó dao động quanh mức 73-75 ngàn đồng/kg. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê.
Ông Hoàng Phước Bính. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Hoàng Phước Bính. Ảnh: Vũ Thảo
* P.V: Giá hồ tiêu liên tục biến động, liệu có bất thường không, thưa ông?
- Ông HOÀNG PHƯỚC BÍNH: Theo ngôn ngữ của thị trường thì giá hồ tiêu trong những ngày qua đang bước vào chu kỳ “rung lắc” (tức là dao động lên xuống liên tục). Giá tăng là điều rất đáng mừng, nhưng sự tăng nhanh và đột ngột đã gây ra nhiều xáo trộn. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, đa số nông dân giữ hàng lại không bán. Còn các đại lý thì gom hàng bán chủ yếu cho nhà đầu cơ, chứ không bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, các nhà xuất khẩu không mua được hàng để đáp ứng cho các hợp đồng xuất ngay hoặc trả nợ các hợp đồng đã ký trước đó.
Thiếu hụt sản lượng là nguyên nhân đẩy giá hồ tiêu tăng cao. Như vậy, có thể thấy, giá hồ tiêu dao động là từ quan hệ cung-cầu, tự thị trường điều chỉnh chứ không phải do một “bàn tay” nào làm giá. Nếu năm 2020 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam là 240.000 tấn thì niên vụ này ước sản lượng chỉ đạt dưới 150.000 tấn. Giá thành sản xuất hồ tiêu đang nằm mức 65-70 ngàn đồng/kg mà giá bán như hiện tại thì người trồng mới có lãi chút đỉnh. 
* P.V: Tại sao dự kiến sản lượng năm nay lại giảm rất mạnh như vậy, thưa ông?
- Ông HOÀNG PHƯỚC BÍNH: Vừa rồi, tôi trực tiếp đi khảo sát tại 6 vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của nước ta là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak và Gia Lai. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trực tiếp trồng hồ tiêu, rồi làm công tác ở Hiệp hội Hồ tiêu mười mấy năm, tôi có thể khẳng định điều này. Trước đó, một vài ý kiến nhận định sản lượng hồ tiêu năm nay dự kiến đạt 220.000 tấn. Nếu nhận định như vậy thì có thể nói đó là “chiêu” của doanh nghiệp. Người ta muốn nói sản lượng cao như vậy để ghìm giá thấp, không đưa giá lên cao để mua được hàng với mức giá thấp, nhằm có lợi nhuận cao hơn.
Những năm giá chớm cao thì người dân bắt đầu trồng. Khi đến năm giá cao đỉnh điểm thì đổ xô trồng nhiều hơn. Rõ ràng, việc ồ ạt trồng hồ tiêu đã dẫn đến thừa sản lượng, khi đó giá lại giảm. Còn hiện nay, sản lượng giảm, giá lại tăng là đương nhiên. Ví dụ: Giai đoạn 2001-2006, giá hồ tiêu đi xuống. Sau đó, từ đáy của năm 2006, giá hồ tiêu bắt đầu đi lên liên tục đến năm 2015 đạt đỉnh cao nhất. Từ năm 2016, giá ở đỉnh cao nhất này lại bắt đầu đi xuống.
Chính vì khi giá hồ tiêu xuống thấp quá, có lúc chạm đáy 35 ngàn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất thời điểm đó khoảng 45 ngàn đồng/kg nên càng đầu tư càng lỗ. Vì vậy, người dân bỏ bê vườn hồ tiêu, không chăm sóc hoặc có đầu tư chăm sóc cũng chỉ theo kiểu cầm chừng, cùng với đó ảnh hưởng của thời tiết khiến năng suất không đạt. 
Người dân huyện Chư Pưh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Cao Nguyên
Người dân huyện Chư Pưh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Cao Nguyên

* P.V: Giá hồ tiêu đang tăng và dự báo sẽ còn tăng, có thể người dân sẽ mở rộng diện tích trở lại. Vậy, ông có khuyến cáo gì?

- Ông HOÀNG PHƯỚC BÍNH: Đây có thể là đầu chu kỳ tăng giá. Hiện tại, giá hồ tiêu đang có sự “rung lắc” nhưng tương lai ra sao là do diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi trồng lại cây hồ tiêu. Trước đây, bà con canh tác không đúng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng trong đất còn cao, khó tiêu trừ, nấm bệnh vẫn còn tồn lưu trong đất. Do đó, để phát triển bền vững cây hồ tiêu, bà con nông dân cần thiết phải đảm bảo 2 điều kiện cơ bản đó là kiến thức về trồng hồ tiêu và khả năng đầu tư.
Thứ nhất, người trồng hồ tiêu tuyệt đối không được tái canh trên vườn hồ tiêu đã bị chết; phải chọn đất phù hợp để tránh việc tỷ lệ đất sét cao dẫn đến việc giữ nước, dễ bị nấm bệnh; phải chọn giống tốt; tránh trồng trụ bê tông và trụ gỗ, cần trồng trên trụ sống; phải để cỏ cho êm đất trong mùa nắng và rút nước trong mùa mưa. Đặc biệt, cần trồng xen với các loại cây khác để giảm áp lực sâu bệnh; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; trồng theo hướng hữu cơ nhằm tránh việc lạm dụng phân và thuốc hóa học… Thứ hai, cần cân nhắc đầu tư trồng theo khả năng tài chính của mình, không nên chạy theo thị trường, thấy giá lên thì ồ ạt trồng, giá xuống thì bỏ. 
* P.V: Xin cảm ơn ông!     
VŨ THẢO (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.