Gia đình ấm áp yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một câu danh ngôn nổi tiếng rằng: “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. Gia đình-2 tiếng thiêng liêng chất chứa tình yêu thương, là chốn đi-về bình yên nhất của mỗi người... Gia đình hạnh phúc không chỉ là điểm tựa cho mỗi thành viên phát triển mà còn là nền tảng, nhân tố tạo nên một xã hội hạnh phúc, thịnh vượng và văn minh.

“Hãy cùng nhau sẻ chia”

Qua rất nhiều khúc quanh, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà của anh chị ở cuối con hẻm nhỏ đường Hà Huy Tập (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Chị Phan Thị Liên-hiện là Tổ trưởng tổ dân phố 16 tiếp chúng tôi bên ly trà xanh thơm hương gừng vừa nấu. Không gian đơn sơ nhưng dễ khiến bất cứ ai đặt chân đến đây đều cảm nhận được sự ấm áp, chu đáo và không khí hạnh phúc hiện diện. “Bả hết làm cán bộ phụ nữ rồi qua làm công tác tổ dân phố, suốt ngày “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng tôi chẳng bao giờ than phiền, mà ngược lại còn cảm thấy vui và tự hào vì vợ nhận được sự yêu mến, tin tưởng của bà con xung quanh. Bả bận không có thì giờ cơm nước thì tui nấu, hay việc nhà cửa, đưa đón con… tui làm thay được hết”-anh Lê Hồng Hạnh, chồng chị Liên tâm sự. Anh chị có 2 ha cà phê, vườn chanh hơn 300 gốc, chưa kể hồ tiêu, mai Tết…, việc không hề ít. Vậy nhưng, anh Hạnh vẫn sẵn sàng chia sẻ, làm “hậu phương” cho vợ.

 

Khi rảnh rỗi, anh Hạnh sẵn sàng chia sẻ việc bếp núc với vợ để cả nhà cùng có bữa cơm ngon và đầm ấm. Ảnh: L.H
Khi rảnh rỗi, anh Hạnh sẵn sàng chia sẻ việc bếp núc với vợ để cả nhà cùng có bữa cơm ngon và đầm ấm. Ảnh: L.H

Ngồi nghe những lời chia sẻ của chồng, chị Liên luôn nở nụ cười hạnh phúc. Anh chị có 2 cô con gái, một cháu sắp bước vào năm học đầu tiên của bậc THPT và cháu còn lại đang học THCS. Trái ngược với nhiều người quan niệm phải “có nếp, có tẻ”, anh Hạnh cho rằng, con nào cũng là con, đều được yêu thương. “Cha mẹ phải là tấm gương cho con. Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng và chia sẻ lẫn nhau. Việc lớn, việc nhỏ cũng phải đem ra bàn bạc, thảo luận để tìm tiếng nói chung, có sự đồng thuận cả vợ lẫn chồng. Bát đĩa còn có lúc xô, tôi với bà ấy sống với nhau hơn hai chục năm có lúc nọ, lúc kia nhưng trên hết vẫn là vì gia đình, con cái để mỗi người nhịn đi “cái tôi” của mình, cho gia đình êm thấm”-anh Hạnh chia sẻ.

Có một người chồng biết yêu thương, trân trọng và chia sẻ, theo chị Liên, đó là may mắn lớn nhất đời chị. “Nhờ có ảnh nên tôi có điều kiện tham gia công tác xã hội. Gia đình mình có hạnh phúc, sống tốt thì mình mới có thể nói người khác nghe được”-chị Liên tâm sự. Suốt từ năm 1996 đến nay, năm nào gia đình anh Hạnh-chị Liên cũng được công nhận là gia đình văn hóa. “Nhiều gia đình khi vợ hoặc chồng tham gia công tác xã hội thì xảy ra bất hòa vì không cân bằng được việc gia đình và xã hội, không nhận được sự chia sẻ từ người bạn đời. Thực tế, hiếm có người chồng nào có suy nghĩ thấu đáo như anh Hạnh để vững tâm xây dựng cho mình mái ấm hạnh phúc, để người ngoài nhìn vào cảm phục và học tập”-chị Phạm Thị Tính-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Yên Thế, bày tỏ.

Ấm áp bữa cơm gia đình

Như một tất yếu của xã hội hiện đại, công việc và các mối quan hệ xã hội mỗi ngày một cuốn con người vào guồng quay hối hả. Theo đó, không ít thành viên trong gia đình ngày càng ít có thời gian dành cho nhau, chia ngọt sẻ bùi, đặc biệt với các gia đình trẻ, gia đình tham gia công tác xã hội, kinh doanh… Do đặc thù công việc, nhiều người phải làm việc thêm giờ, tăng ca, thậm chí phải công tác xa nhà nhiều ngày, những bữa cơm đầm ấm, sum vầy dần trở nên ít đi.

Để vun đắp cho mái ấm luôn tràn ngập tình yêu thương và tiếng cười, chị Liên cũng đã nắm giữ cho mình những “bí quyết sưởi ấm từ gian bếp”. “Tôi nghĩ rằng, bữa cơm gia đình là yếu tố quan trọng tạo nên hạnh phúc. Và người phụ nữ cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Món ăn không nhất thiết phải cầu kỳ, nhưng chăm chút  thực phẩm, chế biến, bày biện  sao cho đảm bảo dinh dưỡng, ngon lành, đẹp mắt. Với gia đình tôi, bữa ăn không chỉ là lúc cha mẹ và các con sum vầy mà chúng tôi còn khéo léo, nhẹ nhàng giáo dục những đạo lý, truyền thống gia đình Việt và những bài học xã hội sâu sắc”-chị Liên chia sẻ quan điểm.

Đó là lý do Ngày Gia đình Việt Nam năm 2018 được tổ chức với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhấn mạnh giá trị và sự cần thiết của việc duy trì những bữa cơm gia đình. “Với chủ đề đó, chúng tôi mong muốn gửi gắm thông điệp đến tất cả các gia đình: Dù đi đâu, dù bận rộn thế nào, mỗi chúng ta đều mong muốn được trở về bên mái ấm gia đình, được ăn bữa cơm cùng nhau. Bởi ở đó, mỗi người có thể cảm nhận sâu sắc khoảnh khắc sum họp, tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau”-bà Phạm Thị Tố Hải-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  tỉnh, nhắn gửi.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.