(GLO)- Đó là Lê Thanh Cường, một người con sinh ra và lớn lên tại Pleiku, hiện nay là phi công trẻ đầu tiên của thế hệ sinh sau năm 1975 tại Gia Lai đang công tác trong ngành Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Nhiều năm là học sinh giỏi
Lê Thanh Cường sinh năm 1987 tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku. Bố của Cường đang công tác ở Công ty Điện lực Gia Lai, mẹ làm nghề mua bán nhỏ. Cường có hai người em, trong đó em trai kế vừa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương và em gái út đang học tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương.
Phi công Lê Thanh Cường và bố của anh. Ảnh: T.N |
Ngay từ bậc tiểu học, Cường đã được gia đình quan tâm định hướng sớm tiếp cận môi trường học tập tốt. Sau đó, Cường theo học tại Trường THCS Nguyễn Du và tiếp tục phát huy thành tích học tập của mình, được vào đội tuyển học sinh giỏi Toán cấp thành phố.
Cường nhớ lại: “Vào cuối năm cấp II, may mắn gặp được thầy Hùng dạy Toán. Em được thầy hướng dẫn phương pháp tự học, học sinh tự tìm tòi và phát hiện, thầy chỉ đóng vai trò trợ giúp nếu học sinh thấy khó khăn trong bài học. Khi áp dụng thành công phương pháp này, học sinh sẽ thấy thú vị hơn vì mình là người khám phá ra cái mới chứ không phải chỉ đơn giản là những công thức có sẵn trong sách…”.
Chính thầy Hùng đã định hướng cho Cường đi thi học sinh giỏi Vật lý và đậu vào lớp 10 chuyên Vật lý của Trường THPT Chuyên Hùng Vương vào năm 2002. Nhờ môi trường học tập tốt, thầy giáo hướng dẫn tận tình, nên Cường đã nằm trong top 30 học sinh giỏi của toàn tỉnh. Quá trình học tập, Cường đã đạt huy chương đồng môn Vật lý cuộc thi Olympic 30-4 tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong-TP. Hồ Chí Minh vào năm 2004, là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý các năm 2004-2005 và cuộc thi giải toán trên máy tính Casio, đạt học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý với giải ba toàn quốc, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)...
Có duyên với… “nghề bay”
Ảnh: Thanh Nhật |
Sau 3 năm theo học tại Khoa Điện tử Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa, tình cờ xem thông tin tuyển phi công của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đăng trên báo Tuổi Trẻ, Cường đã quyết định thử sức dự tuyển phi công vào năm 2008.
Cường kể: “Bất ngờ được Trung tâm Huấn luyện bay gọi điện thông báo là phải ra Hà Nội gấp trong đêm để chuẩn bị cho việc dự tuyển vào sáng hôm sau, đặt chân đến thủ đô, tôi đã vượt qua những nội dung thi khác. Riêng về sức khỏe, do không quen với thời tiết cộng với không được ngủ đủ giấc vào tối hôm trước, nên đã bị trượt vì nhịp mạch nhanh hơn bình thường. Về khách sạn, mẹ nghe chuyện đã động viên đừng buồn, vì rất khó khăn, con được gọi đi dự tuyển là mẹ vui rồi”.
Trở lại TP. Hồ Chí Minh học tập, Cường vẫn quyết tâm không từ bỏ mục tiêu của mình. Ngoài việc tiếp tục đầu tư học tiếng Anh, Cường đã kiên nhẫn duy trì nghiêm túc lịch luyện tập thể lực hàng ngày. Lần tuyển sau cũng tại Hà Nội với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của ngành Hàng không, Cường đã vượt qua các nội dung theo quy định, thể lực và ngoại hình đáp ứng các yêu cầu của Viện Y học Hàng không và đủ điều kiện theo học phi công, được ngành Hàng không Quốc gia Việt Nam cho sang Pháp học.
Đặt chân đến nước Pháp với muôn vàn bỡ ngỡ, tất cả phải từ đầu, hoàn toàn mới từ chuyện đi học với những giáo viên nước ngoài, phương pháp giảng dạy và đến ngay cả những chuyện quanh cuộc sống thường nhật như nấu cơm và ăn uống, sinh hoạt. Cường nhớ lại: “Có lúc phải đi bay đúng vào giờ cơm nên thường ăn bánh mì qua bữa. Có hôm phải thực hành bay đêm, về đến phòng lúc 3 giờ sáng, bụng thì đói, bên ngoài trời lạnh vô cùng, người bạn chung phòng thì đã say giấc, hay những lúc đau bệnh vài ngày liền, Cường càng thấy rõ sự cô đơn và thèm được bên cạnh gia đình, được ăn những món ngon nóng hổi do chính tay mẹ nấu…”.
Môi trường đào tạo cũng đặc biệt, với khối lượng kiến thức hàng không mang tính khái quát và thử thách cao như khí động lực học, khí tượng hàng không, các hệ thống thiết bị hàng không, tính năng máy bay, cân bằng trọng tải, tư duy lôgic và kỹ năng bay, sự thông minh, quyết đoán, phản xạ để giải quyết tình huống. Việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình Anh ngữ chuyên ngành cũng rất khó nhưng lại rất thú vị khi học. Nhất là khi bay thực hành, được sử dụng từ ngữ chuyên môn trong những hoàn cảnh cụ thể thì nhanh hiểu và nhớ lâu hơn.
Giáo viên là những cơ trưởng có kinh nghiệm và rất nhiều giờ bay. Học viên thường xuyên được kiểm tra tiền đình, nhịp tim, huyết áp, phản xạ, tư duy lôgic, độ nhạy cảm và quyết đoán trong tình huống khẩn cấp… Những câu chuyện thực tế của bản thân giáo viên rất bổ ích và vốn quý cho người vừa bước chân vào nghề. Ở phần học bay thực hành, bài học đầu tiên là những động tác bay cơ bản như lấy độ cao, hạ thấp độ cao, chuyển hướng bay đều được giáo viên hướng dẫn rất cụ thể. Học viên phải thực hiện gần 130 giờ bay bằng mắt thường với máy bay một động cơ bốn chỗ ngồi. Sang phần học bay cùng thiết bị, học viên được tiếp cận trực tiếp với tất cả các phương tiện xác định vị trí trang bị trên máy bay.
Thông qua các đài tín hiệu mặt đất, phi công nhận tín hiệu trên các đồng hồ và phải xác định chính xác đồng hồ đang hiển thị gì, đang dẫn mình đi đâu, gắn với những phương án tiếp cận nhất định dựa trên địa hình và điều kiện cụ thể của từng vùng, từng sân bay…
Sau một thời gian bay kèm với giáo viên và thực hành đủ các kỹ năng, học viên bước qua phần bay chỉ một mình với máy bay. Bài bay này cực kỳ quan trọng đối với mỗi phi công, vừa điều khiển máy bay, vừa liên lạc với trung tâm điều khiển không lưu, vừa định vị vị trí máy bay, vừa kiểm tra các thông số kỹ thuật… Sau thành công này, hầu hết các học viên đều khẳng định bước tiến rất quan trọng trong nghề nghiệp, đưa máy bay hoạt động bình thường từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh. “Sau quá trình đào tạo tại Pháp, để trở thành phi công bay khai thác thương mại, bản thân còn được đào tạo các khóa chuyển loại máy bay và huấn luyện mặt đất đặc biệt dành riêng cho ngành Hàng không như hàng hóa nguy hiểm, an toàn bay, tự vệ…, được tổ chức tại Thái Lan. Quá trình này được thực hành với những loại máy bay lớn và có nhiều khác biệt, nên phải nỗ lực học tập để nhanh chóng nắm bắt kiến thức kỹ thuật và vận hành, khai thác”- Cường cho biết.
Trở về Việt Nam, Cường và các học viên còn được tham gia huấn luyện thực tế trên các chuyến bay khai thác mà cơ trưởng là các giáo viên nhiều kinh nghiệm của Hàng không Việt Nam. Ngoài việc thực hành các quy trình căn bản, phi công trẻ còn được làm quen với các quy trình khai thác khác, tiếp cận hình thái thời tiết của các sân bay khác nhau trong nước.
Đồng thời phải vượt qua những thử thách nghề nghiệp như cơ thể thường xuyên tiếp xúc với sóng điện từ trong buồng lái, thường xuyên sống trái quy luật thời gian sinh học, phải thích nghi cả về mặt sức khỏe cũng như độ nhạy cảm và sự quyết đoán xử lý các tình huống (kể cả khẩn cấp) khi qua nhiều vùng, miền khác nhau với giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục, những rặng núi rất hạn chế tầm nhìn… Quá trình này được đánh giá thận trọng và nghiêm ngặt qua 5 giáo viên trong Đoàn bay 919 thì học viên sẽ trở thành phi công thực thụ, được bay và làm việc với các cơ trưởng trên những chuyến bay chở hành khách tuyến trong nước.
Hiện nay, Lê Thanh Cường được bổ nhiệm làm cơ phó trong Đoàn bay 919 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, trực tiếp khai thác bay trên các tuyến trong nước.
Trò chuyện với chúng tôi trước giờ bay tại Cảng Hàng không Pleiku trong dịp đón Xuân Quý Tỵ-2013, Cường bày tỏ: “Tự hào một thời là học sinh Phố núi, bản thân tôi sẽ không ngừng rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp để trở thành một cơ trưởng đầy đủ bản lĩnh và kinh nghiệm. Đồng thời, sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành giáo viên hướng dẫn bay cho ngành Hàng không Quốc gia trong tương lai, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm bản thân cho thế hệ phi công trẻ hơn, giúp họ sớm thực hiện thành công ước mơ như chính bản thân mình vậy…”.
Thanh Nhật