Duyên nghiệp với hoa lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là giáo viên đang công tác tại Trường THPT Phan Bội Châu nhưng anh Phạm Thăng Bằng (hẻm 50, đường Lê Đại Hành, TP. Pleiku) lại “bén duyên” với lan rừng. Đến nay, anh đã sở hữu vườn lan rừng rộng hơn 300 m2 với hơn 10.000 cá thể, cung cấp giống cho thị trường và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Bén duyên” với lan

Trò chuyện với chúng tôi, anh Bằng cho biết: “Nhà mình ở huyện Phú Thiện, lúc còn nhỏ, người thân đi rừng đem tặng một nhánh lan rừng rất đẹp, hoa thơm lắm, nghe mọi người nói là lan nghinh xuân. Đam mê lan từ lúc đó nhưng vì điều kiện gia đình, kinh nghiệm cũng chưa có nên mình chỉ có vài nhành lan chơi cảnh ban đầu”.

 

 Anh Phạm Thăng Bằng đang chăm sóc hoa lan. Ảnh: T.B
Anh Phạm Thăng Bằng đang chăm sóc hoa lan. Ảnh: T.B

Là giáo viên, lại là Phó Bí thư Đoàn trường THPT Phan Bội Châu, khá bận rộn với công việc nhưng niềm đam mê lan cứ như là duyên tiền định. Sở thích sưu tầm lan rừng của anh ngày càng cháy bỏng. Năm 2013, anh Bằng và một người bạn mở chung một cơ sở kinh doanh hoa lan. Từ khi bắt đầu kinh doanh, anh chịu khó nghiên cứu tài liệu, sách báo của các chuyên gia hàng đầu về hoa lan; đồng thời, tham gia Hội Những người chơi lan Phố núi và tham quan các vườn lan trong vùng để học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh Bằng cho biết: “Lúc đầu, mình vừa kinh doanh, tôi vừa học hỏi để nắm rõ hơn đặc tính của mỗi loại lan. Nếu không có đam mê thì không thể chơi được loài hoa này”.

Khi đã nắm trong tay những kiến thức cơ bản, đầu năm 2015, anh bắt tay xây dựng vườn lan. Trên nền đất sẵn có của gia đình, anh đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà vườn, nhập hoa lan, giá thể và chậu để trồng. Đến nay, vườn lan của anh rộng khoảng 300 m2, với hơn 10.000 cá thể.

Chăm lan như chăm con mọn

Theo anh Bằng, Gia Lai có khí hậu ôn hòa nên rất thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của hoa lan. Tuy nhiên, hoa lan có rất nhiều chủng loại, mỗi loại lại có đặc tính, cách trồng và cách chăm sóc khác nhau. Lan rừng sống được ở nhà vườn đã khó, để hoa nở đúng mùa lại càng khó hơn. Quá trình trồng hoa lan, anh Bằng cũng đã trải qua nhiều thất bại, không phải cây nào cũng thuần hóa được, cũng ra hoa đúng thời điểm. Nguyên tắc vàng khi chăm lan là “ẩm mà không ướt”, muốn lan sinh trưởng tốt ở trong nhà vườn thì lượng phân bón, nước, ánh sáng, độ ẩm phải được điều chỉnh cho phù hợp. Đầu năm 2016, anh đầu tư hơn 500 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới lan tự động, làm nhà lưới, giàn, bảo đảm ánh sáng, gió và độ ẩm để cho lan sinh trưởng, phát triển.

Hiện nguồn hàng lan của vườn anh Bằng được nhập từ Campuchia, Lào, chủ yếu là dòng lan giả hạc. Bên cạnh đó, tranh thủ đợt nghỉ hè, anh Bằng cùng những người bạn lại rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh để mua các loại lan rừng do người dân tìm được. Ngoài bán giống theo giò, chậu, vườn lan của anh Bằng còn nhận cung cấp các giống lan theo ký với số lượng lớn. Hoa lan của anh Bằng lúc đầu chủ yếu bán ở trong tỉnh, dần mở rộng ra các tỉnh Đak Lak, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Anh Huỳnh Minh Trung (đường Phan Đình Giót, phường Hoa Lư, TP. Pleiku)-một khách hàng của vườn lan cho biết: “Vườn lan của anh Bằng có rất nhiều giống lan rừng quý hiếm. Nhà tôi cũng có chăm vài giò lan rừng mua từ vườn anh Bằng. Tôi cũng hay đến tận vườn lan này để xem, vừa học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chăm lan của anh Bằng”.

Anh Bằng chia sẻ: “Hiện vườn lan của tôi có khoảng 10.000 giò các loại. Tùy giá trị, kích thước của từng giò lan mà có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Còn đối với những giò lan quý hiếm thì có giá đến vài chục triệu đồng. Số vốn tôi bỏ ra để đầu tư vườn lan này cũng mất hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng bước đầu cũng đã đem lại lợi nhuận khá cao. Có được thành quả như ngày hôm nay không phải là điều dễ dàng, nhưng điều quan trọng nhất là tôi đã thực hiện được niềm đam mê từ thuở nhỏ”.

 Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm