Đừng để sâm giả ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ trong vòng một tháng, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) đã liên tiếp phát hiện 2 vụ việc làm giả nhãn hiệu và củ sâm Ngọc Linh Kon Tum. Việc phát hiện này góp phần tích cực trong việc bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Cụ thể, ngày 3/2, tại khối phố 8, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện 7 thùng rượu với số lượng 112 chai rượu có dấu hiệu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Địa chỉ sản xuất của lô hàng trên tại số 426/31, đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tất cả số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Vụ việc này đang được lực lượng Quản lý thị trường 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ một tháng sau, lại tiếp diễn vụ việc thứ hai liên quan đến sâm Ngọc Linh. Rạng sáng 1/3, trên đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Đăk Tô, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) phối hợp với Công an huyện Đăk Tô đã mật phục, bắt một vụ vận chuyển các loại củ giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện Đăk Tô để tiêu thụ. Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã bỏ hàng để lẩn trốn. Lực lượng chức năng đã phát hiện 3 thùng xốp để ven đường, bên ngoài ghi hoa phong lan Đăk Tô, không có địa chỉ người gửi, người nhận. Số hàng trên được gửi từ xe khách chạy từ các tỉnh phía Bắc vào thả dọc trên đường. Kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh. Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc (có hình dáng rất giống sâm Ngọc Linh) vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô để đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum bán cho người tiêu dùng. Việc làm này ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.


 

 Loại củ giả sâm Ngọc Linh được lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: VP
Loại củ giả sâm Ngọc Linh được lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: VP


Sâm Ngọc Linh được gọi là “Quốc bảo”, là loại dược liệu quý có tác dụng đặc biệt đối với sức khỏe con người, vì vậy nhu cầu người tiêu dùng cao trong khi đó số lượng cung cấp ra thị trường lại khan hiếm. Hơn nữa, số người hiểu biết về sâm Ngọc Linh, được tận mắt nhìn thấy củ sâm Ngọc Linh thật còn ít nên việc phân biệt thật, giả rất khó. Vì thế, thời gian qua rất nhiều tư thương lợi dụng điểm yếu này đã trà trộn loại củ giống sâm Ngọc Linh và làm giả nhãn hiệu đưa vào địa bàn tỉnh Kon Tum để lừa bán cho người có nhu cầu,làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Trong khi đó, hiện tại tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cụ thể, đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20 ha), Công ty Cổ phần Vingin (trồng 200 ha) và Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha). Cả 3 đơn vị này cũng chủ yếu là bảo tồn và phát triển diện tích nên số lượng bán ra có hạn. Bên cạnh đó, hiện một số hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei cũng đang phát triển trồng trong rừng tự nhiên, tuy nhiên diện tích còn ít nên số lượng bán ra cũng không nhiều.

Để thu hoạch sâm Ngọc Linh tốn rất nhiều thời gian, ít nhất cũng phải từ 7 năm trở lên. Hơn nữa, sâm Ngọc Linh có đặc tính ngủ đông nên vào mùa đông rụng lá (các công ty thường thu hái lá để bán trước khi vào kỳ sâm ngủ đông). Hiện nay, sâm Ngọc Linh đang trong thời kỳ ngủ đông (đã rụng lá, đang bắt đầu ra lá mới) nên không thể có sâm Ngọc Linh lá xanh tốt như loại củ giả sâm Ngọc Linh mà một số cá nhân rao bán trên các trang mạng xã hội và lượng sâm mà lực lượng chức năng bắt giữ trong ngày 1/3.

Nhiều người khi biết thông tin về những vụ việc giả mạo này đã cho rằng sẽ phải cẩn thận hơn, phải tìm mua ở những nơi uy tín, có chứng nhận đàng hoàng vì thật tình không thể nào phân biệt được đâu là củ sâm thật, đâu là sâm giả và nếu chưa được uống rượu sâm Ngọc Linh thật thì cũng không thể phân biệt được loại giả mạo.

Tuy nhiên, trước những vụ việc phát giác mới đây, những người bán sâm Ngọc Linh trên các trang mạng xã hội lại có động thái mới như: Chụp ảnh tại các cửa hàng bán sâm Ngọc Linh, chụp ảnh giấy chứng nhận chất lượng sâm... để đánh lừa người mua...

Trước thực trạng này, người mua nên đến cơ sở chính hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum để mua các loại sản phẩm. Đó cũng là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.



http://baokontum.com.vn/toa-soan-ban-doc/dung-de-sam-gia-anh-huong-den-thuong-hieu-sam-ngoc-linh-18059.html

Theo Văn Phương (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.