Du Xuân trên miền Hỏa Xá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ba ngày Tết dành hầu hết thời gian đi chúc tụng người thân, họ hàng và thăm thú bạn bè, nhiều gia đình, nhất là các bạn trẻ tạm rời xa phố phường đô hội để trở về với thiên nhiên trong lành. Và lang thang trên miền Hỏa Xá để được chiêm nghiệm nhiều huyền tích về các vị Pơtao Apuih-Vua Lửa và du thuyền trên hồ Ayun Hạ là một điểm đến thơ mộng khó chối từ.

Huyền tích các Pơtao Apuih

 

 Rơlan Hieo, phụ tá Vua Lửa cuối cùng di chuyển gươm thần từ nơi cất giữ về “nhà mới”.
Rơlan Hieo, phụ tá Vua Lửa cuối cùng di chuyển gươm thần từ nơi cất giữ về “nhà mới”.

Cách Phố núi Pleiku chừng 70 cây số, chỉ mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ chạy xe máy, nhóm bạn trẻ chúng tôi đã đặt chân đến vùng đất Hỏa Xá- thung lũng Ayun Pa, nơi chứa đựng nhiều truyền thuyết về các vị Vua Lửa.

Con đường bê tông rộng mới làm giúp chúng tôi chẳng mấy khó khăn khi rẽ từ quốc lộ 25 vào Khu Di tích Lịch Sử-Văn hóa Vua Lửa ở dưới chân núi Ba Hòn, người Jrai địa phương gọi là Chư Tao Yang, ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Một căn nhà sàn dài để trưng bày các đồ vật cồng chiêng, trống của người Jrai ở giữa, thêm một căn nhà sàn sát bên nhỏ hơn làm nhà cúng tế cho các Vua Lửa và một nhà chòi để cất giữ thanh gươm thần tương truyền có quyền năng hô mưa gọi gió. Tổng thể khu di tích được xây dựng tựa lưng vào núi Ba Hòn vững chãi, phía trước là khoảnh sân bê tông rộng nhìn ra cánh đồng lúa xanh bát ngát.

Mặc dù Siu Luynh-Vua Lửa thứ 14, cũng là vị Vua Lửa cuối cùng đã mất năm 1999, nhưng huyền tích về các vị Vua Lửa vẫn còn hiện hữu ở vùng đất Hóa Xá. Và vị phụ tá của Vua Lửa cuối cùng là Ra Lan Hieo thì vẫn còn sống ở Plei Ơi.

 

Cúng Gươm thần của Vua Lửa
Cúng Gươm thần của Vua Lửa

Truyền thuyết về gươm thần do Siu Luynh, đời Vua Lửa thứ 14 kể mà Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-cán bộ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai sưu tầm được rằng: “Năm ấy hạn hán kéo dài, sông Apa, sông Ayun (hai con sông lớn nhất ở khu vực Đông Nam Gia Lai – P.V) và các nguồn nước hoàn toàn khô cạn, cây rừng không mọc nổi. Người Jrai phải đào hố tìm nước uống. Các loài thú rừng cũng kéo đến cái hồ do người đào để uống nước. Chúng đạp lên nhau mà chết, con người chỉ việc lấy thịt thú rừng ăn. Nhưng rồi thú rừng cũng không còn, con người phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây le nấu ăn thay gạo”.

Theo Tiến sĩ Vân, trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Jrai là có thể cầu xin hoặc cao hơn nữa là bắt thiên nhiên phải chiều theo ý muốn của mình. Khi đã có “chiếc gươm thần”, có yêu cầu người xứng đáng giữ gươm, có lẽ vậy mà những Pơtao Apuih xuất hiện. Sau khi Siu Luynh, vị Vua Lửa cuối cùng, mất năm 1999, thanh gươm được để trong một cái chòi nằm giữa ruộng của con cháu ông. Người làng đem gươm từ Chư Tao Yang về đây. Họ làm chòi cho gươm ở, cúng cho gươm. Nhưng lâu rồi không ai cúng nữa. Thỉnh thoảng Rơlan Hieo (phụ tá của Siu Luynh) trèo lên chòi kiểm tra.

Từ hơn nửa năm về trước, sau khi chính quyền xây dựng Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Plei Ơi dưới chân núi Ba Hòn, lúc đó Rơlan Hieo đã đích thân làm lễ cúng các thần linh để di dời thanh gươm thần cùng những di vật của các đời Vua Lửa từ chòi tranh giữa cánh đồng về cất giữ trong “nhà mới” như khép lại truyền thuyết về các vị  Pơtao Apuih có quyền năng làm mưa giúp dân làng vượt qua cơn khô hạn để có được mùa màng bội thu.

Du thuyền trên hồ Ayun Hạ

 

 Đường vào Plei Ơi- di tích lịch sử, văn hóa
Đường vào Plei Ơi- di tích lịch sử, văn hóa

Sau khi quá bộ lang thang đắm mình trong không gian huyền tích của các vị Vua Lửa ở Plei Ơi, chúng tôi lên xe máy chạy vòng hơn 1 cây số ra phía sau lưng núi Ba Hòn là đến con đập thủy lợi cao sùng sững mở ra mộ không gian mặt hồ nước thoáng đãng mát rượi của công trình đại thủy nông Ayun Hạ.

Từ năm 1994, khi dòng chảy sông Ayun được ngăn lại để khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Ayun Hạ, con đập thủy lợi cao sừng sững tạo hồ nước rộng 37 km2 với sức chứa 253 triệu mét khối nước, quanh năm tưới mát cho những cánh đồng lúa rộng trên 13.500 ha. Không dừng lại ở đó, mỗi dịp lễ, Tết, đơn vị chủ quản hồ chứa lại tổ chức nhiều chiếc du thuyền phục vụ du khách đi thưởng ngoạn khắp mặt hồ.

Giá vé vào cổng chỉ có 10.000 đồng, kèm theo khoảng 800.000 đồng nữa để thuê nguyên mộ chiếc du thuyền có sức chứa hơn 15 người là thỏa sức vi vu trên mặt nước mệnh mông ngắm nhìn trời mây non nước và cảnh sắc chồi non lộc biếc của rừng cây hai bên bờ hồ. Mặt trời lên cao xua đi màn sương lãng đãng bao phủ trên mặt hồ. Khi thuyền vừa qua một lối rẽ, bất chợt nhiều đàn cò trắng đung đưa trên các cành mục nhô trên mặt nước và các bụi le bên bờ giật mình bay dáo dác. Mấy con khỉ đang vui đùa chuyền cành cây bên bờ thấy người lạ cũng hốt hoảng ré lên rồi hùa nhau chạy mất dạng. Anh Ngạn-nhân viên chèo thuyền cho biết: “Gần đây khi nạn chặt phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu được ngăn chặn, rừng hết động thì chim thú cũng dần trở về. Thi thoảng chúng tôi chèo thuyền vào đánh cá sớm còn bắt gặp cả bầy nai lần ra bờ hồ uống nước”.

 

Nướng cá trên hồ Ayun Hạ. Ảnh: Đức Phương
Nướng cá trên hồ Ayun Hạ. Ảnh: Đức Phương

Sau gần 2 tiếng đồng hồ lênh đênh trên mặt nước phẳng lặng, chúng tôi tấp thuyền vào một bãi cát dài phẳng sạch sẽ có nhiều mỏm đá mồ côi nhô lên mặt nước xếp chồng lên nhau thật đẹp. Mấy bạn gái lần theo vách núi đi vào bìa rừng tìm phong lan và hoa dại. Còn đám con trai chúng tôi được dịp lao mình ra dòng nước mát thỏa sức “tắm tiên”.
 
Trời quá trưa cũng là lúc bụng ai nấy đói meo, sẵn mấy con cá to vừa mua được của mấy thờ câu và dân địa phương đánh lưới bắt gặp trên đường bơi thuyền vào lúc nãy, cùng dưới ánh lửa hồng, mùi cá nướng, thịt gà nướng thơm phức càng thúc giục ruột gan thi nhau réo gọi. Thêm mấy ống cơm lam do nhân viên du thuyền chuẩn bị sẵn thiết đãi du khách. Khui bia nào cùng Zô! Chúng tôi có được một bữa tiệc thịnh soạn giữa mây trời sông nước.

Để du ngoạn khăp mặt hồ theo anh Ngoạn-nhân viên du thuyền- phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ. “Nếu vào sâu bên trong lòng hồ đến bãi dừng thuyền câu cá rong chơi thì quay trở về sẽ vừa lúc trời tối. Có thể sẽ gặp được các bầy thú ra uống nước…”.  

Nghe có vẽ hấp dẫn, nhưng có lẽ phải đành hẹn lại dịp khác. Bởi với chúng tôi bấy nhiêu đó là quá đủ cho một chuyến xả hơi sau Tết để trở về chuẩn bị bước vào một năm làm việc với đầy rẫy những cuộc kiếm tìm cái mới ở phía trước…

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Trẩy hội đường hoa…

Trẩy hội đường hoa…

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.