Trẩy hội đường hoa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.
 

Ảnh: Đ.T
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Đến Quảng trường Đại Đoàn Kết những ngày đầu năm, thư thái ngắm từng sắc hoa đang ngời lên trong nắng, nhẩn nha ngồi lại ngay dưới chân tượng đài Bác, nhìn người người tấp nập rộn ràng, tôi càng hiểu hơn vì sao chủ đề năm nay của đường hoa lại là “Tây Nguyên vui trẩy hội”. Thì chẳng phải Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang hòa mình vào Xuân với “đặc sản” trời trong xanh thắm, nắng sánh màu mật ong, gió reo ngân trên từng mái phố; ấy là chưa kể chút rét ngọt của phương Bắc cũng len lỏi đến trong từng cái xuýt xoa mỗi sớm mai hay lúc về khuya. Thì chẳng phải ngàn hoa đang vươn mình khoe sắc trên mỗi nẻo đường quê, trên từng góc phố và hơn hết thảy lại được tụ hội ở nơi mà lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn hướng về để thể hiện niềm tôn kính đối với Bác kính yêu.

Trong khuôn viên khoảng 1.300 m2, hoa trạng nguyên, các loại cúc như vạn thọ, mâm xôi, lá nhám, cúc Đài Loan, sống đời, chuỗi ngọc, dạ yên thảo đủ màu… phần lớn là của Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai, một số loài được chuyển từ Lâm Đồng, Sa Đéc về cùng nhau đua sắc. Điểm nhấn của đường hoa năm nay chính là mô hình mái nhà rông được phủ kín hoa có chiều cao khoảng hơn 7 mét, ngang hơn 5 mét với hai khối hoa có màu sắc bắt mắt là cúc vạn thọ và hoa trạng nguyên được xếp đối xứng, thu hút điểm nhìn của du khách. Bên cạnh đó là cách trưng bày hoa được cách điệu theo hình dáng những vật dụng thân thiết của đồng bào như cồng chiêng, đàn trưng… tạo thành những tiểu cảnh vừa quen thuộc nhưng không kém phần lạ mắt.

Những ngày Xuân mới, vào bất cứ thời điểm nào, Quảng trường Đại Đoàn Kết cũng đông vui, rộn rã. Người thân quen hay mới gặp lần đầu cũng sẵn lòng dành cho nhau những nụ cười tươi tắn cùng lời chúc may mắn đầu năm; sẵn lòng giúp nhau chụp một tấm hình làm kỷ niệm với đường hoa, với Tết, với Xuân. Có người đang vãn cảnh, thấy quanh mình người người, nhà nhà say sưa tạo dáng chụp hình lưu niệm cũng vội vàng rút điện thoại ra chụp nhanh vài kiểu. Anh Nguyễn Văn Phong (334 Lê Duẩn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thấy bạn bè nô nức ra Quảng trường du Xuân chụp ảnh rồi chia sẻ trên mạng xã hội vừa đẹp vừa ý nghĩa, vợ chồng tôi rủ thêm mấy người bạn cùng đến đây, vừa dạo bộ ngắm hoa vừa tranh thủ chuyện trò nhân đầu Xuân năm mới. Chẳng cứ năm nay, tôi thấy từ ngày Quảng trường được xây dựng, hầu như Tết nào nơi này cũng là một điểm đến vui Xuân lý tưởng của người dân trong tỉnh”. Còn với chị Nguyễn Thị Anh (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa)-người lần đầu tiên đến Pleiku trong dịp Tết thì: “Tôi không ngờ đường hoa ở Pleiku lại đẹp và ý nghĩa khi gắn với truyền thống và bản sắc văn hóa của các dân tộc ở đây. Quảng trường thoáng mát, nhiều cây xanh, lại nằm trong một tổng thể các công trình văn hóa của tỉnh khiến những du khách lần đầu đến Gia Lai như tôi cảm thấy rất thích thú”.

…Trong chiều muộn, giữa rất nhiều bước chân nơi Quảng trường, tôi để ý thấy có khá nhiều người dân đứng lặng im ngay bên tượng Bác. Còn tôi, mỗi lần ngắm chân dung Bác tại Quảng trường, lại lẩm nhẩm đọc lại những câu thơ trong trường ca Theo chân Bác-một trong những áng thơ hay nhất của nhà thơ Tố Hữu và cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong hàng ngàn bài thơ ca ngợi Người: “Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh/Ngôi sao ấy lặn, hóa bình minh/Cơn mưa vừa tạnh. Ba Đình nắng/Bác đứng trên kia, vẫy gọi mình...”. Giữa đất trời Tây Nguyên, Bác đứng đó, cao sang mà gần gũi, vĩ đại mà giản dị, như chính cuộc đời của một vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân. Đứng giữa Quảng trường nhìn lên tượng Bác, nhìn ra đường hoa rực rỡ sắc màu trong ríu ran tiếng cười nói, lòng tôi lại ấm áp, vững tin hơn và lại thấy tươi sáng hơn trong những lạc quan trước cuộc đời.

 Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Du xuân vãn cảnh ngôi chùa đẹp nhất Ninh Thuận

Du xuân vãn cảnh ngôi chùa đẹp nhất Ninh Thuận

Tọa lạc lưng chừng núi Đá Chồng địa linh, cùng với Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Trùng Khánh tạo nên một quần thể gắn liền với các địa danh Ninh Chữ - Bình Sơn, Trùng Sơn Cổ Tự trở thành điểm đến tâm linh, du xuân vãn cảnh lý tưởng cho du khách.