Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Tưng bừng không khí lễ hội

Trong không khí se lạnh của sáng sớm mùng 4 Tết, dòng người kéo về biển Cửa Tùng đông như trẩy hội. Tại khu vực diễn ra lễ khai mạc-trước Đồn Biên phòng Cửa Tùng-hàng ngàn người dân từ các xã lân cận, đặc biệt là ngư dân các khu phố: An Đức 1, 2, 3; An Hòa 1, 2, Hòa Lý… có mặt đông đủ để cổ vũ các đội đua, khuôn mặt ai nấy đều rạng ngời, phấn khởi. Phía trên cầu Cửa Tùng, khán giả đứng xem đông nghịt, người từ khắp nơi đổ về khiến chiếc cầu bỗng chốc nổi bật như một chiếc cầu vồng đủ màu sắc, lấp lánh trong nắng Xuân.

Các đội đua xuất phát. Ảnh: D.Q
Các đội đua xuất phát. Ảnh: D.Q

Gần đến giờ khai mạc, sức nóng của lễ hội bắt đầu lan tỏa, các đội đua vào điểm xuất phát hừng hực khí thế bên những chiếc thuyền rồng trang trí bắt mắt, ấn tượng. Đúng 8 giờ, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Phú đánh hồi trống chính thức bắt đầu lễ hội. Các đội đua xuất phát. Những tay đua dốc sức chèo thuyền, bẻ lái tạo những đường đua điêu luyện. Trên bờ, tiếng cổ vũ, động viên của khán giả vang dội... Liên tục hô hào, cổ vũ thuyền đua, anh Võ Hữu Giang-một cổ động viên của đội An Đức 1 hào hứng: “Lễ hội đua thuyền là cơ hội để các ngư dân đua tài, vừa tạo khí thế thi đua lao động vừa cầu mong một vụ mùa thắng lợi”. Còn cô sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Ngân (người dân thị trấn Cửa Tùng) cho hay: “Ngày Tết về quê, được xem lễ hội đua thuyền thật thú vị. Đặc biệt, đây cũng là ngày “hò hẹn” du Xuân đầu năm của đám thanh niên chúng em sau những ngày vui Tết cùng gia đình”.

Ông Nguyễn Xuân Tư-một nhiếp ảnh gia đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Hầu như năm nào tôi cũng về Vĩnh Linh, vừa thăm quê hương cách mạng vừa để du Xuân. Năm nay thời tiết rất đẹp, nắng ấm như hiểu lòng người, giúp tôi có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp của lễ hội truyền thống để đăng trên các báo và tạp chí, góp phần giới thiệu, quảng bá những hình ảnh đẹp về biển Cửa Tùng, về lễ hội đua thuyền truyền thống đến bạn bè trong nước và quốc tế”.

Nét đẹp truyền thống

Từng là một lão ngư nên dù đã 78 tuổi song chưa năm nào cụ Nguyễn Viết Cang (khu phố Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) bỏ lỡ bất kể một cuộc đua thuyền nào. Cụ Cang nói, năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 4 Tết, cả nhà cụ đều gác lại mọi công việc để ra đây xem lễ hội. Bởi, với gia đình cụ, đua thuyền không chỉ là một lễ hội mang nét đẹp văn hóa truyền thống của ngư dân Cửa Tùng tạo không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân mà còn mang ý nghĩa cầu an. Vì vậy, các ngư dân tham gia lễ hội đều cố gắng chuẩn bị tinh thần và thể lực tốt nhất với hy vọng mang đến những đường đua đẹp, mong muốn “thần Biển” sẽ phù hộ một năm mưa thuận gió hòa.

Cũng theo cụ Nguyễn Viết Cang, lễ hội đua thuyền có từ những năm 1960 và được duy trì cho đến nay. Sở dĩ biển Cửa Tùng được chọn là nơi diễn ra lễ hội là bởi đây là điểm nối giữa sông Bến Hải với biển Cửa Tùng, thuyền bè thường xuyên ra vào, qua đó gắn kết tình cảm ngư dân ở các vùng lân cận. Gần 60 năm qua, bà con các khu phố: An Đức 1, 2, 3; An Hòa 1, 2 và Hòa Lý... vẫn giữ gìn nét đẹp truyền thống, đồng thời tự nguyện đóng góp tiền và tổ chức luyện tập, trang trí thuyền đua, tham gia thi tài… “Lễ hội đua thuyền thường có 6 đội tham gia, mỗi đội có 13 vận động viên đều là các ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng. Các đội thi đấu chia làm 2 đợt đua, đợt I thi lấy giải của thị trấn; đợt II thi lấy giải do các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí”-ông Hồ Ngọc Việt-Trưởng ban tổ chức các hoạt động vui Tết, đón Xuân thị trấn Cửa Tùng cho biết.

Bứt phá tại cuộc đua và mang về giải nhất, ông Hồ Ngọc Anh-Đội trưởng đội An Hòa 1, phấn khởi: “Anh em trong đội rất vui vì đã chiến thắng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thi tiếp đợt II. Đây là niềm vui, niềm tự hào của bà con khu phố An Hòa 1”. Cũng vui mừng không kém vì đội giành giải nhì, anh Lê Văn Nở (khu phố An Đức 3) vui vẻ: “Dù giải nhì nhưng chúng tôi rất vui, vui như được mùa đó cô!”.

Với tinh thần thể thao cao thượng, lễ hội đua thuyền Cửa Tùng mang đến nét đẹp văn hóa truyền thống của ngư dân vùng biển, đồng thời cũng là điểm đến du Xuân của du khách thập phương. Sau gần 3 tiếng đồng hồ tổ chức, lễ hội mang đến không khí Xuân ấm áp, sôi nổi, khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới thuận lợi, an lành.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Trẩy hội đường hoa…

Trẩy hội đường hoa…

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.
Du xuân vãn cảnh ngôi chùa đẹp nhất Ninh Thuận

Du xuân vãn cảnh ngôi chùa đẹp nhất Ninh Thuận

Tọa lạc lưng chừng núi Đá Chồng địa linh, cùng với Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Trùng Khánh tạo nên một quần thể gắn liền với các địa danh Ninh Chữ - Bình Sơn, Trùng Sơn Cổ Tự trở thành điểm đến tâm linh, du xuân vãn cảnh lý tưởng cho du khách.