Chiều một ngày đầu tháng 12-2023, khu vực Zins Farm (Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh, làng Nhao, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) trở nên rộn rã hơn bao giờ hết khi đón gần 100 em học sinh Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai đến tham quan.
Thầy Đào Xuân Linh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Chương trình trải nghiệm này được nhà trường tổ chức cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 11. Zins Farm có không gian rộng rãi, thoáng đãng, có cánh đồng lúa, có vườn cây đẹp nên rất phù hợp với chủ đề về văn minh lúa nước mà nhà trường đang muốn dạy cho học sinh. Đây là dịp để các em hiểu thêm về nền văn minh lúa nước, hiểu được cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa ra sao”.
Các em học sinh Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai hào hứng trải nghiệm bắt cá, bắt ốc trên ruộng lúa. Ảnh: H.D |
Thầy Linh chia sẻ thêm: Với sự phối hợp của Zins Farm, nhà trường sẽ giới thiệu cho các em những kiến thức liên quan đến văn minh lúa nước, tham quan cánh đồng lúa nước sau vụ gặt, lội ruộng để bắt cá, bắt cua, bắt vịt... Buổi tối, các em di chuyển về nơi cắm trại trong khuôn viên Zins Farm để tham gia gala “Đêm hồng hoang” với những hoạt cảnh về thời nguyên thủy, những bài hát về lịch sử, về Tây Nguyên...
Từ những trải nghiệm thực tế, các em sẽ viết bài thu hoạch và được tính vào điểm của môn Lịch sử và Địa lý. Việc tổ chức các hoạt động mang tính trải nghiệm gắn với giáo dục đang được tổ chức thường xuyên để các em có thể “học đi đôi với hành”.
Mặc dù khuôn mặt lấm lem bùn đất sau một hồi cùng các bạn “quần thảo” trên ruộng cạn, nhưng ánh mắt háo hức và nụ cười tươi vẫn bừng trên khuôn mặt em Cao Thị Khánh Ly (lớp 8A2). Cầm trong tay 2 con ốc vừa bắt được, Ly vô cùng phấn khích: “Kể từ khi nhà trường thông báo sẽ tổ chức đi trải nghiệm thực tế, em rất háo hức và chờ đợi. Hôm nay, em được lội ruộng, bắt cá, bắt ốc. Đây thực sự là một trải nghiệm khó quên đối với em”.
Để chuẩn bị cho hoạt động này, Zins Farm đã tích cực phối hợp trong việc chuẩn bị không gian, thiết kế trò chơi, sân khấu cho đêm gala. Anh Đặng Thành Dư-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh-cho hay: “Zins Farm có sẵn vườn cà phê, chuối, mía, bắp, chanh dây... với diện tích khoảng 2 ha, cộng thêm ruộng lúa và gần 20 ha trồng cây công nghiệp, cây ăn quả của người dân xung quanh mà đơn vị liên kết nên có lợi thế để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục”.
Mô hình du lịch trải nghiệm của Zin's Farm được khá nhiều hợp tác xã ở các địa phương khác đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Hà Duy |
Hoạt động du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục đã được nhiều trường tổ chức với sự hưởng ứng của học sinh cũng như phụ huynh. Với lứa tuổi mẫu giáo, nhiều trường chọn các điểm tham quan gần, có độ an toàn cao như: vườn rau, hoa, quả; bảo tàng... Với học sinh ở độ tuổi lớn hơn, các trường thường lựa chọn mô hình lớn để các em được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp, tham gia trò chơi dân gian... Qua đó, các em có thêm kiến thức thực tế, bồi dưỡng kỹ năng sống cũng như rèn luyện khả năng làm việc nhóm.
Em Lê Hồng Sơn (lớp 12A2) chia sẻ: “Em rất thích những hoạt động ngoại khóa như thế này, bởi qua đó sẽ có thêm những kiến thức, những trải nghiệm khó quên. Không chỉ vậy, những hoạt động này còn giúp chúng em gắn kết với nhau hơn, có thêm kỹ năng làm việc nhóm, rất có ích cho cuộc sống sau này”.
Gia Lai sở hữu nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa đậm đà bản sắc, ẩm thực đặc trưng, đặc biệt là sự phát triển nông nghiệp với đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi... Tất cả đều là tiềm năng, thế mạnh để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục. Tuy nhiên, để phát triển, thiết nghĩ hoạt động này cần được quan tâm tổ chức một cách bài bản, đảm bảo an toàn và có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.