Cơ hội trải nghiệm du lịch giá 0 đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xu hướng tuyển tình nguyện viên (TNV) ở các farmstay, homestay đã mang đến cơ hội trải nghiệm du lịch Gia Lai cho nhiều người với giá 0 đồng. Các đơn vị tổ chức cũng nhận lại nhiều lợi ích mà những TNV mang lại trong chương trình “trao đổi giá trị” này.

Du lịch giá 0 đồng

Vừa kết thúc chương trình TNV tại homestay Mộc An Nhiên (xã Hneng, huyện Đak Đoa), chị Phạm Thị Huyền Nhan-thợ bánh kem tại TP. Hồ Chí Minh-hào hứng chia sẻ: “Tôi đã có chuyến du lịch Gia Lai giá 0 đồng đúng nghĩa. Không chỉ được du lịch miễn phí mà tôi còn có khoảng thời gian tạm rời xa công việc với nhiều áp lực, bầu không khí ngột ngạt ở TP. Hồ Chí Minh để tái tạo năng lượng nơi vùng quê yên bình”.

Công việc của chị Nhan khi làm TNV tại Mộc An Nhiên là chụp ảnh các món đồ uống, không gian đẹp của homestay, hỗ trợ chụp hình cho khách... Homestay có thể dùng hình ảnh này để quảng bá thương hiệu, dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội. Bù lại, chị được cung cấp nơi ăn, ở miễn phí, phương tiện đi lại, được tạo điều kiện làm việc trong môi trường thoải mái nhất. Chị Nhan cho biết thêm, đây là lần đầu tiên chị làm TNV cho một cơ sở lưu trú.

Chị Phạm Thị Huyền Nhan (đội nón) làm công việc liên quan đến quảng bá, xây dựng hình ảnh cho homestay Mộc An Nhiên trong thời gian làm TNV tại đây. Ảnh nhân vật cung cấp

Chị Phạm Thị Huyền Nhan (đội nón) làm công việc liên quan đến quảng bá, xây dựng hình ảnh cho homestay Mộc An Nhiên trong thời gian làm TNV tại đây. Ảnh nhân vật cung cấp

Bạn trẻ gốc Hà Nội Đào Ngọc Diệu Linh cũng vừa có 1 tháng du lịch 0 đồng thông qua chương trình TNV tại Moons Coffee Farm (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Đây là nông trại đầu tiên tại Gia Lai khởi xướng chương trình TNV nông nghiệp xanh. Chị Linh cho hay: “Khi chọn Moons Farm làm TNV, tôi xem đây là môi trường mới để trải nghiệm cuộc sống. Ở đây, tôi làm việc “chân lấm tay bùn” như một nông dân thực thụ, từ chăm sóc, tưới nước, làm cỏ, bón phân cho cây trồng, được nếm thử cà phê ở khu vực riêng của nông trại. Qua đó, tôi hiểu thêm về quy trình tạo ra 1 ly cà phê, điều đó đã làm thay đổi tư duy của tôi về thức uống này. Trước đây, tôi xem cà phê chỉ là thức uống làm tỉnh táo, nhưng 1 tháng trải nghiệm nông nghiệp xanh, cách nhìn 1 ly cà phê đã khác, nó còn có sức hấp dẫn của văn hóa”.

Chị Linh cho rằng, với những người có mong muốn trải nghiệm làm nông nghiệp xanh, bền vững thì chương trình TNV là cơ hội tuyệt vời để hiện thực hóa. “Đây còn hơn cả 1 chuyến du lịch, bởi tôi học hỏi được nhiều điều từ những người bạn đang làm TNV tại đây và từ chính chủ farm, mở ra cho tôi nhiều góc nhìn mới về cuộc sống”-chị Linh bày tỏ.

Trao đổi giá trị

Anh Nguyễn Dũng-Chủ homestay Mộc An Nhiên-cho biết: Mỗi tháng có 2-3 bạn trẻ làm TNV tại cơ sở lưu trú, dịch vụ của anh. Chương trình được duy trì từ năm 2021 đến nay. Các TNV phải làm việc ít nhất 30 ngày. Anh Dũng thông tin: “Chương trình TNV mang lại lợi ích đôi bên. Chúng tôi cung cấp chỗ ăn ở, còn các bạn giúp cho homestay mỗi ngày 4-6 tiếng. Các TNV có thế mạnh gì sẽ được tạo điều kiện để phát huy thế mạnh đó. Ví dụ có người chỉ thích làm cỏ, dọn vườn, nấu cơm; có người dọn buồng, phòng cho khách lưu trú; có bạn lại mong muốn làm ở quầy pha chế hay chuyên về mảng truyền thông, marketing. Một số TNV ngoài làm việc tại homestay còn đóng góp cho cộng đồng địa phương qua những lớp dạy kỹ năng sống, dạy tiếng Anh cho trẻ em trong vùng”.

Trong thời gian làm TNV tại Moons Farm, chị Đào Ngọc Diệu Linh (bìa trái) còn tham gia dự án làm sạch rác tại các điểm du lịch. Ảnh nhân vật cung cấp

Trong thời gian làm TNV tại Moons Farm, chị Đào Ngọc Diệu Linh (bìa trái) còn tham gia dự án làm sạch rác tại các điểm du lịch. Ảnh nhân vật cung cấp

Chủ homesaty Mộc An Nhiên cho biết thêm: Gần 3 năm triển khai chương trình TNV, anh cũng có thêm kinh nghiệm để mời được những người có nhiều năng lượng tích cực. “Những người vào làm TNV tại Mộc An Nhiên gần đây đa số là bạn trẻ đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Họ rất năng động, không ngại việc và có những ý tưởng mới mẻ, giúp chúng tôi vận hành hiệu quả hoạt động kinh doanh”-anh Dũng nói.

Từ kinh nghiệm làm TNV tại một số thành phố, chị Đào Ngọc Diệu Linh cho rằng, các farmstay, homestay cần có những tiêu chí cụ thể khi đăng tuyển TNV. Do đó, các bạn có nhu cầu cần xem kỹ thông tin, xác định rõ tâm thế, mục đích của mình. Thường có 2 trường hợp, đó là những bạn trẻ muốn thử sống một cuộc đời khác, trong một môi trường khác để phát triển bản thân; trường hợp thứ 2 là đi tìm nơi chốn để trốn chạy thực tại khi gặp vấn đề trong cuộc đời. Tốt nhất là các bạn viết thư ngỏ cho nơi mình muốn đến làm việc, nói rõ điểm mạnh/yếu, mong muốn gì khi vào làm TNV để có sự thống nhất cao giữa hai bên trước khi làm việc cùng nhau.

Nhiều farmstay, homestay tại Gia Lai bắt nhịp xu hướng này và bắt đầu có các chương trình tuyển dụng TNV. Anh Nguyễn Tấn Nhật Tân-Chủ Xom Organic Farmstay (xã Trà Đa, TP. Pleiku) và Xom House Biển Hồ (thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) mới đây cũng đăng tuyển TNV cho các cơ sở lưu trú của mình. Anh Tân cho biết: “Tình nguyện viên là một kênh tìm kiếm nhân công giá rẻ mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ đang hướng tới. Ngược lại, nhiều TNV đã có kinh nghiệm làm việc ở các farm, homestay vận hành hiệu quả giúp mình làm mới mô hình hoạt động, tăng sức hút đối với khách hàng. Có người sau khi làm TNV về viết những bài review rất ấn tượng, góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai trên các diễn đàn, cộng đồng yêu thích du lịch cả nước”.

Anh Lương Văn Hùng-Chủ farm Nhà Ven Rừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) mong muốn chương trình TNV thu hút những bạn trẻ có kiến thức, kỹ năng về đóng góp cho cộng đồng bản địa tại đây. Nhà Ven Rừng là nông trại gần các thắng cảnh nổi tiếng như thác 50, thác Kon Lốc, Kon Bông, Ba Tầng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng… Địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tài nguyên rừng nhưng người dân bản địa lại thiếu kỹ năng làm du lịch. “Tôi vốn là một giáo viên dạy môn Hóa nhưng đã nghỉ việc để toàn tâm toàn ý với giấc mơ làm nông nghiệp bền vững. Mô hình của tôi rộng 8 ha chuyên sản xuất nông nghiệp sạch chứ không chuyên hoạt động kinh doanh dịch vụ. Nhưng tôi hy vọng sẽ thu hút được các TNV có tinh thần đóng góp cho cộng đồng, về đây hướng dẫn bà con Bahnar cách khai thác tài nguyên bản địa để phát triển du lịch cộng đồng”-anh Hùng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Thác K50 và những bài học vô giá

Thác K50 và những bài học vô giá

(GLO)- Tây Nguyên luôn ẩn chứa những vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà bất kỳ ai đặt chân đến cũng phải trầm trồ, thán phục. Một trong những điểm đến còn giữ được nét nguyên sơ đó chính là thác K50 nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Chung tay bảo vệ môi trường và tạo những hình ảnh đẹp

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Chung tay bảo vệ môi trường và tạo những hình ảnh đẹp

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người phát ngôn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, ban tổ chức mong muốn người dân và du khách cùng chung tay tạo dựng, lan tỏa những hình ảnh đẹp, góp phần tạo nên thành công cho lễ hội.

Mùa du lịch rừng

Mùa du lịch rừng

(GLO)- Khi nắng ươm vàng trên từng tán lá, sưởi ấm những cánh rừng và bướm bay rợp sắc trời tháng 3 chính là lúc bắt đầu mùa du lịch rừng Tây Nguyên.

Một lần đến núi Phú Sĩ

Một lần đến núi Phú Sĩ

(GLO)- Nhiều người vẫn nói sang Nhật mà chưa đến núi Phú Sĩ thì xem như chưa đến xứ Phù Tang. Cũng bởi, núi Phú Sĩ từ lâu đã là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc.