Dự án giao thông chồng chéo quy hoạch khai thác khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều dự án có nhu cầu sử dụng đất chồng chéo với quy hoạch khai thác bô xít. Do đó, tỉnh Đắk Nông đang đề xuất với các ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế khoáng sản nhưng cũng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một tuyến đường giao thông ở huyện Đắk Song đang vướng dự thảo Quy hoạch khai thác quặng Alumin nên không thể đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ảnh: Phan Tuấn
Một tuyến đường giao thông ở huyện Đắk Song đang vướng dự thảo Quy hoạch khai thác quặng Alumin nên không thể đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ảnh: Phan Tuấn
Chồng chéo giữa các quy hoạch
Ở huyện Đắk Song đang có 4 dự án mở đường huyết mạch đã được UBND tỉnh Đắk Nông bố trí vốn để thi công thực hiện dự án. Các tuyến đường này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhưng hiện đang phải trả vốn cho tỉnh, không thể triển khai thi công.
Nguyên nhân, các công trình đầu tư này vướng dự thảo Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản bô xít của Bộ Công Thương. Mặt khác, 4 công trình này còn nằm trong vị trí xây dựng Tổ hợp Nhà máy Alumin - Điện phân Nhôm của chủ đầu tư sau này.
Theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk Song, 4 dự án mở đường bị vướng quy hoạch bao gồm: Đường giao thông liên xã Nâm N'Jang - Trường Xuân - Đắk N'Drung có tổng mức đầu tư 85 tỉ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 là 15 tỉ đồng.
Đường giao thông từ Quốc lộ 14 đi xã Trường Xuân và xã Nâm N'Jang có tổng mức đầu tư 83 tỉ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 là 15 tỉ đồng.
Tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 14 vào cầu thôn 2 xã Trường Xuân kết nối với đường phía tây thủy điện Đắk R'Tih đến xã Đắk Rmoan có tổng mức đầu tư là 45 tỉ đồng, kế hoạch vốn  năm 2022 được bố trí là 5 tỉ đồng.
Cuối cùng là dự án nâng cấp đường giao thông liên xã Nâm N'Jang và xã Đắk N'Drung với tổng mức đầu tư là 19,8 tỉ đồng, kế hoạch vốn là 3 tỉ đồng.
Theo đánh giá của UBND huyện Đắk Song, cả 4 tuyến đường này đều được địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc tạo ra sự liên kết giữa các địa phương, vùng miền trong huyện.
Nếu 4 tuyến đường này được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi về lâu, về dài, thậm chí hàng trăm năm sau người dân vẫn có thể sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội. 
Điều đáng nói, các dự án khai thác bô xít chưa biết đến bao giờ mới thực hiện. Trong khi đó, việc triển khai các dự án mở đường rất quan trọng, thậm chí chỉ sử dụng một phần đất đai rất nhỏ, như "sợi chỉ", không làm ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác quặng bô xít sau này. 
Về phía chủ đầu tư dự án khai thác quặng Bauxit sau này cũng sẽ thuận lợi trong việc sử dụng tuyến đường nêu trên để khai thác, vận chuyển quặng.
"Hiện nay, những vướng mắc giữa khai thác mỏ với mở đường giao thông chưa được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Do đó, đơn vị đã báo cáo UBND huyện Đắk Song đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông điều chuyển vốn sang các dự án khác để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2022" - ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Song khẳng định. 
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay, việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như việc trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án có nhu cầu sử dụng đất chồng lấn với diện tích quy hoạch khai thác bô xít.
Mới đây, Đoàn công tác của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để xử lý các khó khăn, vướng mắc về hoạt động khoáng sản.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản cho biết, đơn vị sẽ đề xuất với các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh Đắk Nông đề xuất.
Trong đó, đối với những khu vực quy hoạch, dự trữ khoáng sản có chồng lấn với các dự án khác, Tổng cục Địa chất và khoáng sản sẽ đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy định theo hướng cho phép thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác, nhưng không được xâm phạm đến khoáng sản...
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm