Động đất liên tục có thể làm giá đất Măng Đen bớt "nóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
8 tháng đầu năm 2022, có 138 trận động đất liên tục tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Giới đầu tư bất động sản du lịch nhận định, điều này khả năng sẽ tác động làm giá đất tại thị trấn Măng Đen hạ nhiệt.
 
Dự án phân lô biệt thự ở Măng Đen. Ảnh: T.T
Dự án phân lô biệt thự ở Măng Đen. Ảnh: T.T
Măng Đen lâu nay được ví như Đà Lạt thứ 2 với khí hậu trong lành, ôn hoà vì ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Trong vòng 5-7 năm trở lại đây, giá đất Măng Đen tăng cao liên tục, giới đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đổ xô về Măng Đen mua đất, phân lô bán nền biệt thự, nhà nghỉ homestay… 
Tại các trục đường chính, mỗi lô đất có giá dao động từ 1,4-2 tỉ đồng/m ngang, tuy nhiên nguồn cung cũng khan hiếm. Anh Trần Liêm – chuyên gia môi giới bất động sản tại thị trấn Măng Đen – cho biết: “Hơn 15 năm trước, Măng Đen còn là nơi xa xôi, hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, cách TP.Kon Tum hơn 70km.
Bây giờ Măng Đen được nhiều khách du lịch ghé tham quan, nhiều đợt sốt đất đã diễn ra. Có gia đình bán sạch đất nương rẫy cho nhà đầu tư, cầm 10-15 tỉ đồng quay về lại thành phố sinh sống”.
 
Số liệu các vụ động đất tại Kon Plông. Ảnh: PCTT
Số liệu các vụ động đất tại Kon Plông. Ảnh: PCTT
Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà đầu tư khác, anh Liêm cho rằng, gần đây các trận động đất với rung chấn mạnh sẽ khiến du khách lo ngại, tác động đến tâm lý người mua, gián tiếp làm giảm giá đất.
Đặc biệt trận động đất 4,7 độ richter vào ngày 23.8.2022, những ai ở Măng Đen đều cảm nhận rất rõ. Nếu sập nhà cửa, lở núi thì người dân cũng như du khách sẽ không biết trốn vào đâu. 
 
Khu du lịch nghỉ dưỡng bên hồ Đăkke. Ảnh: T.T
Khu du lịch nghỉ dưỡng bên hồ Đăkke. Ảnh: T.T
Chị Nguyễn Lệ Khuyên – nhà đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh – cho hay: “Động đất làm người ta dễ liên tưởng đến cảnh tượng thảm khốc như đã từng diễn ra ở Nhật Bản, Indonesia hay như tại thuỷ điện Sông Tranh 2 của Quảng Nam vào năm 2017. Đặc biệt là khách nước ngoài, không ai muốn liều lĩnh đi vào vùng nguy hiểm có động đất”. 
Theo chị Khuyên, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở Măng Đen hiện chưa phát triển, các đợt sốt đất chủ yếu do các nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mua đi bán lại kiếm lời, còn thực tế nhiều dự án xây dựng bị bỏ hoang.
Cũng không lạ khi mới đây, tỉnh Kon Tum ra quyết định thu hồi hàng loạt dự án chiếm đất “vàng”, không đầu tư xây dựng, gây lãng phí nguồn lực đất đai. 
“Cộng thêm các trận động đất do thuỷ điện tích nước, mà dự báo còn tiếp diễn thời gian dài, giá đất Măng Đen sẽ hạ nhiệt về đúng giá trị thực. Động đất gây ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng nếu giá đất bớt sôi sục cũng là mặt tích cực, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch thực sự có được quỹ đất có giá thuê, chuyển nhượng rẻ”, chị Khuyên nói.
Theo Viện Vật lý địa cầu, 8 tháng đầu năm 2022, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 138 trận động đất. Trận lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua là 4,7 độ richter xảy ra ngày 23.8.2022. Những ngày nghỉ lễ, động đất vẫn tiếp diễn, trước đó, có ngày huyện Kon Plông xảy ra hơn 10 trận. Nguyên nhân ban đầu có thể do thuỷ điện Thượng Kon Tum, Đắk Rinh… tích nước hoạt động.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.