(GLO)- Không cứ gì các em học sinh và gia đình mà các ngành, các địa phương, dư luận xã hội thời gian gần đây cũng rất lấy làm lo lắng trước thực trạng thi cử ở nước ta hiện nay. Đó là việc tổ chức thi cử tốn kém, vất vả nhưng đổi lại là kết quả thiếu thực chất, gây bất bình, phẫn nộ bởi vấn nạn gian lận thi cử. Câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và một số tỉnh năm rồi còn chưa giải quyết xong nên sự lo lắng đối với kỳ thi THPT Quốc gia lần này là dễ hiểu.
Thực tế không lấy gì làm hay ho ấy khiến gần đây có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia cho giản tiện, đỡ tốn kém, vất vả. Thậm chí là thực hiện bước “nhảy cóc”: tốt nghiệp THPT có thể vào thẳng trường cao đẳng, hay bỏ cả kỳ thi vào các trường chuyên nghiệp-nơi mà từ đó sau quá trình đào tạo, các em sẽ có một cái nghề trước khi vào đời.
Ảnh internet |
Thôi, chưa cần bàn tới việc bỏ hay không bỏ kỳ thi THPT Quốc gia. Lúc này, cần nhất là các em kiểm tra lại lần cuối tất cả những gì cần trang bị trước khi bước vào phòng thi, từng môn thi từ kiến thức đến những vật dụng được phép mang theo. Kiến thức, phương pháp giải quyết đề bài, các dạng bài môn thi độc lập và môn thi tổ hợp hẳn các em đã được thầy cô, bạn bè và bản thân rèn luyện, thử thách qua các lần thi thử, rút kinh nghiệm để khi làm bài đạt kết quả cao nhất. Lúc này, cũng không phải là thời điểm của những do dự, lo lắng. Các em nên thả lỏng cơ thể, thật bình tĩnh để tâm trí nhẹ nhàng, tránh áp lực không đáng có khi chưa và cả lúc vừa bước vào phòng thi. Tâm lý là yếu tố rất quan trọng tác động trực tiếp đến việc nhận diện đề, phân tích đề, giải quyết đề, huy động kiến thức cũng như trình tự làm bài. Hy vọng, với sự chuẩn bị 2 điều kiện cần thiết và tiên quyết đó (kiến thức và tâm lý), các em sẽ có kết quả thi tốt nhất, chẳng những đáp ứng yêu cầu đỗ tốt nghiệp mà còn để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học mình mơ ước, lựa chọn bấy lâu.
Xã hội ta duy trì kỳ thi THPT Quốc gia và xem nó là cái mốc để đánh giá quá trình 12 năm đèn sách của học sinh. Cần thống nhất cao quan điểm: Thi cử là cần thiết, là quan trọng nhưng phải thực chất, không dối lừa và đừng quan trọng hóa mà biến thành gánh nặng không đáng có đối với học sinh, tiếp đó là gia đình, xã hội.
Thi cử bây giờ không như ngày xưa. Hơn 35 năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về kỳ thi tốt nghiệp cấp III năm nào vẫn còn in đậm trong tôi. Ở quê tôi vào cái thời bao cấp thiếu trước hụt sau, mỗi ngày công lao động có thể được hợp tác xã chia 3 kg thóc thì được đi học là một ưu đãi đặc biệt. “Có thực mới vực được đạo”, cái “thực” lúc bấy giờ nó lớn lắm, quan trọng lắm, vì toàn xã hội còn đang cơ cực, bị cấm vận, sản xuất yếu kém, lạc hậu… Miếng cơm manh áo của nhiều gia đình mới là mục tiêu số một chứ không phải là chuyện chữ nghĩa, học hành. Rồi còn bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc...
Năm đó, chúng tôi “lều chõng” lên trường vừa học vừa làm đứng chân trên địa bàn huyện cách nhà 15 cây số để thi (khóa trước, các anh chị trên đó xuống trường tôi dự thi, xoay vòng như thế đến mấy khóa thì trường vừa học vừa làm giải thể). Hồi đó 2 kỳ thi rất rõ, thi tốt nghiệp cấp III và thi đại học, thời gian cách nhau độ chừng hơn một tháng nên học hành, ôn tập rất áp lực. Có thể do học hành, thi cử vất vả nhưng một phần áp lực nữa là ý thức trách nhiệm bản thân, vì cha mẹ, gia đình đã dành cho mình quá nhiều ưu tiên học hành. Lúc này chưa có chuyện giới hạn chương trình ôn tập, sách giáo khoa là cơ sở pháp lý, có bao nhiêu học bấy nhiêu. Không cần cha mẹ, thầy cô nhắc nhở, chúng tôi đã tối mặt tối mũi học hành, ôn tập, có khi đến quên ăn quên ngủ. Tất cả chỉ vì sợ không “ôm” hết kiến thức trước khi bước vào phòng thi. Nhắc lại mà thương cho thím tôi, hôm trước khi tôi lên đường đi thi, bà còn nấu cho bát cháo gà, đĩa xôi đậu để lấy may và bồi bổ sức khỏe. Khóa ấy khối 12 trường tôi tất thảy 84 học sinh thì có đến 4 người thi rớt, chúng nó buồn khóc đến mấy ngày. May là số rớt này năm sau chăm chỉ siêng năng nên thi lại đều đỗ cả, có đứa sau làm cán bộ to. Học thật thi thật, một thời như vậy-môi trường giáo dục quê tôi, ngày đó. Nói rộng ra, đó chính là “điểm cộng” của nền giáo dục nước nhà khi ấy, dù chương trình, sách giáo khoa chưa thật tiên tiến!
Thi xưa, thi nay tuy khác nhau về nội dung kiến thức và hình thức thi cử nhưng đều có điểm chung là kỳ sát hạch cần thiết và quan trọng là sự đợi chờ, hy vọng và tin tưởng của không riêng mỗi thí sinh mà còn của cha mẹ, gia đình, thầy cô, bạn bè, xã hội. Là người từng đi dạy, tôi vẫn hay nói với các con: Sự học có giá của nó, vất vả nhưng cố gắng thì sẽ vượt qua, không có gì là ghê gớm. Chuyện thi cử bao giờ cũng quan trọng và chủ động kiến thức là cơ sở để có sự vững vàng trong tâm lý. Nhưng dẫu là kiến thức phổ thông thì chưa có một học sinh nào có thể “vỗ ngực xưng tên” đã nắm hết, nắm đủ để có thể làm bài đạt điểm tối đa. Vậy nên, còn thời gian là còn bồi bổ kiến thức và giữ một tâm thế thật bình tĩnh để “giải quyết” kỳ thi một cách trọn vẹn, đó có thể xem là “bí kíp” thành công.
Thất Sơn