Doanh nghiệp bình ổn giá hết 'gồng' nổi vật giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chi phí vật tư, giá cả đầu vào tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM không gồng gánh nổi và đề xuất tăng giá từ đầu tháng 4.2022.

Chi phí vật giá leo thang khiến nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá phải đề xuất điều chỉnh nâng giá từ ngày 1.4. Ảnh: Quang Thuần
Chi phí vật giá leo thang khiến nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá phải đề xuất điều chỉnh nâng giá từ ngày 1.4. Ảnh: Quang Thuần


Cuối tháng 3.2022, trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá ở TP.HCM hiện đang rất đuối, không "gồng" nổi chi phí, vật giá leo thang. Điều đáng nói là giá bán của các doanh nghiệp bình ổn hiện chênh lệch khá nhiều so với giá bán bên ngoài thị trường. Chúng tôi đã đề xuất cơ quan ban ngành quản lý để được tăng giá từ 9 - 10%, nếu không sẽ lỗ nặng.

Chia sẻ về kế hoạch điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng trong chương trình bình ổn, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết, hiện bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp cung ứng cho thị trường 100 tấn thịt gia cầm. Giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng từ 15 - 20%, các chi phí vận chuyển, logistics cũng tăng cao theo giá xăng dầu. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay doanh thu của doanh nghiệp chưa tăng, nhưng phải gánh thêm các chi phí đầu vào nên áp lực rất lớn. Hiện nay công ty vẫn cố gắng giữ giá, nhưng với tình hình như hiện nay, công ty buộc phải tăng giá bán sản phẩm khoảng 10%.

Tương tự, Công ty TNHH Ba Huân cho biết, đang rất cố gắng giữ giá đến hết quý 1/2022. "Chúng tôi đang chờ Sở Tài chính duyệt giá bình ổn thị trường năm 2022. Công ty đề xuất tăng giá khoảng 5%, thấp hơn so với mức tăng giá nguyên liệu đầu vào", bà Phạm Thị Huân, đại diện Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ.

Tại buổi họp báo định kỳ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 28.3. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng thừa nhận: Đến hết tháng 3 này, các doanh nghiệp sẽ hết hạn cam kết giữ giá bình ổn thị trường. Do đó, đến đầu tháng 4 các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá. Tuy nhiên, tháng 4 cũng là thời điểm TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường mới cho năm 2022. Do đó, việc điều chỉnh giá sẽ do Sở Tài chính TP.HCM chịu trách nhiệm. Cơ quan này sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, trong đó sẽ đăng ký mặt hàng và đăng ký giá mới. Nếu chứng minh được đầu vào tăng sẽ cho điều chỉnh giá. Trong trường hợp thị trường liên tục biến động mạnh, việc tiếp nhận điều chỉnh giá từ 2 - 5%.

Theo ghi nhận từ Sở Tài chính, các doanh nghiệp chủ yếu đăng ký tăng giá mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm. Trong đó, thịt gia súc tăng 2-3%, thịt gia cầm tăng 6-12%, trứng gia cầm tăng 6 - 8%.

Ông Phương cho biết, trên cơ sở đăng ký của các doanh nghiệp, cũng như các hồ sơ liên quan đến chi phí đầu vào Sở Tài chính sẽ xem xét và thống nhất tại cuộc họp ngày 29.3 cùng các sở ngành, đơn vị tham gia bình ổn thị trường để thống nhất giá các mặt hàng trong chương trình Bình ổn thị trường 2022.

Một số doanh nghiệp cũng đề xuất các nhà phân phối chung tay hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng bằng cách giảm mức chiết khấu để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn, vì mức chiết khấu hiện nay khá cao.

Theo Quang Thuần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.