(GLO)- Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đảng đoàn kết thực sự. Bác nói rằng đoàn kết là cái tạo ra sức mạnh, và cũng chính đoàn kết mà việc gì khó khăn, gian khổ, ác liệt cũng sẽ vượt qua được. Theo Bác: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là then chốt của thành công”, đoàn kết là “điểm mẹ”. “Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”. Tóm lại, Bác đề ra khẩu hiệu hành động: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Ảnh: Đức Thụy |
Ngày 31-8-1963, nói chuyện với cán bộ tuyên huấn miền núi về cách mạng xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ chỉ rõ: “Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”. Bác luôn nói ngắn nhưng đủ, Bác coi xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc là sẽ gặt hái được đại thành công. Đó là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Điều này phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi giai đoạn cách mạng.
Từ sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mọi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đều đề cập đến sự xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị đều hướng đến việc đoàn kết, thống nhất, một ý chí về mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên của nước ta mà Đảng và Bác Hồ đã chọn-con đường làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy vậy, trong Đảng, trong tổ chức đảng, vẫn đâu đó luôn xảy ra mất đoàn kết. Không ít cán bộ của đảng không gương mẫu trong việc xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch; lợi dụng sự “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” mà gây sự, lấn sân sang các công việc của chính quyền, đoàn thể. Nghiêm trọng hơn là xa rời lý tưởng cách mạng, dao động về tư tưởng, không kiên định về đường lối chính trị của Đảng...
Một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa về bản chất, sa sút về ý chí, a dua, ăn theo nói leo những điều mà mình không hiểu, thậm chí nói và viết những nội dung có ý đồ chống lại Đảng và Nhà nước, gây ra nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ. Điều ấy không khó thấy, nhưng việc kiểm điểm, phê bình coi ra không có kết quả. Hàng năm phân tích chất lượng đảng viên, phân loại tổ chức cơ sở đảng làm qua loa, đại khái, lấy lệ, ngại va chạm...
Lần này, Bộ Chính trị đã gắn việc tổ chức chỉ đạo đại hội Đảng các cấp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo nội dung “đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” là điều hết sức có ý nghĩa. Qua việc chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy các cấp, rà soát lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát hiện và xử lý, loại trừ ra khỏi Đảng những con sâu phá hoại. Đặc biệt là những kẻ luôn rình rập để “chọc gậy bánh xe”; nói mà không làm, thiếu tinh thần xây dựng, thiếu trách nhiệm với tổ chức, với tập thể, lớn hơn là với dân, với Đảng. Số cán bộ, đảng viên có thói hư tật xấu như vừa nói trong Đảng hiện không ít.
Bác dạy: “Mục đích của Đảng có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Chiếu theo điều này, kiên quyết lọc sạch những kẻ làm ngược lại nội dung ấy ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Có như vậy mới có một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Sinh hoạt tổ chức cơ sở đảng là điểm tựa vững chắc, là nơi để rèn luyện, học tập, để tuyên truyền, vận động, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là nơi đưa đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống; nhưng đồng thời ở tổ chức cơ sở đảng cũng là nơi kiểm nghiệm sự đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật; ở đấy cũng là nơi phát hiện, là nơi làm cơ sở đưa ra các quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn cách mạng của từng thời kỳ, giai đoạn, địa phương... Cho nên theo thiển ý của tôi, trước hết phải xây dựng tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch, vững mạnh đúng nghĩa đen của nó.
Vì như nói trên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ về nội dung đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là phải bắt đầu từ tổ chức đảng ở cơ sở, ở mỗi chi bộ, tổ đảng. Cùng với tổ chức đại hội các cấp bổ sung, củng cố lại cấp ủy, đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu, biện pháp cho các lĩnh vực đời sống xã hội, là việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết nói chung, đoàn kết trong Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh nói riêng. Làm sao đạt được yêu cầu như Bác dạy: “Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau, phê bình trên lập trường thân ái, vì nước vì dân”.
Trong Di chúc của mình, Bác từng nói: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Giá trị tuyệt đối của sức mạnh của Đảng là sự đoàn kết, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Khi đã trở thành truyền thống thì mọi thế hệ cách mạng đều phải có trách nhiệm duy trì và bảo vệ. Nếu thực hiện đúng khẩu hiệu, rằng “nói đi đôi với làm”, thì qua việc “học tập và làm theo” lần này cùng với sắp xếp, củng cố lại các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp chúng ta tin sẽ có nhiều hơn, thực chất hơn những tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.
Bích Hà
————
* Trong bài viết tác giả có tham khảo và trích dẫn từ tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn-NXB Giáo dục ấn hành tháng 1-2015.