(GLO)- Ấy là chúng tôi muốn nói đến thị xã Ayun Pa, một vùng đất chứa đầy trầm tích của lịch sử hình thành. Được thành lập theo Nghị định 50/2007/NĐ-CP ngày 30-3-2007 (trên cơ sở huyện Ayun Pa được thành lập năm 1975). Ayun Pa là tên gọi sự hợp lưu giữa hai dòng sông hùng vĩ: sông Pa (còn gọi là sông Ba hay Dak Krông Ia Pa), dòng sông dài 304 km cắt ngang dãy Trường Sơn và dòng Ayun, bắt nguồn từ chân núi Kông Lak cao 1.720 mét. Chảy đến vùng đất Cheo Reo thì 2 con sông hợp nhau lại nơi ngã ba sông thành dòng Ayun Pa. Năm 1975, huyện mới được thành lập cũng lấy tên là Ayun Pa.
Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy |
Trong lịch sử hình thành, vùng đất này đã có các tên rất lãng mạn. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có 2 anh em tên là Rcom Cheo và Rcom Reo dũng mãnh, tài hoa đã tìm ra vùng đất thanh bình, trù phú này và đưa dân làng đến lập làng mới. Ghi nhớ công lao, họ đã lấy tên 2 anh em đặt cho vùng đất mới là Cheo Reo. Sau này do nhiều lần chia tách, sáp nhập, Cheo Reo còn có tên là Phú Bổn (thủ phủ của tỉnh Phú Bổn thời Mỹ), Hậu Bổn và Ayun Pa. Ranh giới địa lý cũng nhiều lần thay đổi. Cheo Reo trong sử sách nhà Nguyễn cũng như các công trình nghiên cứu của các nhà sử học, một thời từng có những Tơring (đơn vị hành chính) của người Jrai với sự cai quản của các Pơtao Puih và Pơtao Ia (vua Lửa và vua Nước). Thời Pháp thuộc, Cheo Reo thuộc Phú Yên; thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì thành lập tỉnh Phú Bổn, Cheo Reo thành tỉnh lỵ. Sau giải phóng Cheo Reo được thành lập huyện lấy tên là Ayun Pa, đến nay là thị xã. Sinh sống trên mảnh đất có diện tích tự nhiên trên 28.700 ha này là hơn 35.000 người với nhiều dân tộc như Jrai, Bahnar, Kinh... đang xây dựng thị xã Ayun Pa ngày càng phát triển cả về kinh tế và xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên dưới 13%. Đời sống tinh thần ngày một nâng lên. Với các tiềm năng về đất đai, khoáng sản và du lịch, chính quyền thị xã đang chú trọng việc kêu gọi đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Như trên đã nói, đây là vùng đất đầy trầm tích, từ huyền thoại đến truyền thống. Đây còn là nơi sinh ra những tài nhân: Nếu xưa có vua Lửa, vua Nước, thì nay có những chí sĩ tài hoa và cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ như Nay Der, Nay Phin, Ksor Ní, Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sĩ), Ksor Phước và tướng lĩnh như Ksor Nham… Cũng vùng đất trên bến dưới thuyền ấy có địa danh Bến Mộng, có Chân Trời Tím…, nơi sinh ra những gái sắc nổi tiếng nhất vùng. Vậy nên, không ngoa khi nói Ayun Pa là địa linh nhân kiệt.
Quốc Ninh