(GLO)- Nhờ phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung, cựu chiến binh Đinh Quang Hiệu (thôn Kim Năng 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đã có cuộc sống khá giả, đồng thời mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho nhiều hộ dân ở huyện nghèo này.
Đến xã Ia Ma Rơn, hỏi thăm ông Hiệu “hươu” ở thôn Kim Năng 2 thì hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, không chỉ là một cựu chiến binh vui tính, nhiệt tình với công tác Hội mà còn vì ông là người đầu tiên ở huyện Ia Pa nuôi hươu lấy nhung bán, mở ra một nghề mới đầy triển vọng cho gần chục hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Cựu chiến binh Đinh Quang Hiệu chăm sóc đàn hươu sao của mình. Ảnh: Đ.P |
Ông Hiệu năm nay vừa tròn 60 tuổi. Ông vốn là công nhân Công ty Xây dựng Hoàng Liên Sơn, đứng chân ở tỉnh Lào Cai. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, ông Hiệu theo lệnh tổng động viên tham gia bộ đội, làm chiến sĩ pháo binh thuộc Sư đoàn 316, Quân đoàn 2 chiến đấu ở mặt trận huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Năm 1984, khi chiến trường biên giới phía Bắc tạm thời yên ắng, ông phục viên về quê làm ruộng, cưới vợ, sinh con. Nhưng vùng quê chiêm trũng Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) đất chật người đông nên kinh tế gia đình khó khăn. Năm 1987, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông cùng với 100 hộ dân Hà Nam đầu tiên rời quê hương vào xã Ia Ma Rơn để xây dựng kinh tế mới.
Ở quê mới, rừng lạ, đồi khô, nhiều người bị sốt rét hành hạ nên bỏ cuộc đi tìm nơi ở mới. Nhưng với phẩm chất kiên cường của người lính Cụ Hồ, ông Hiệu động viên vợ con cố gắng bám trụ, khai phá đất hoang trồng đậu xanh để đổi lấy gạo, thực phẩm, thuốc men. Nhờ chịu thương chịu khó, đến nay, gia đình ông đã có 3,5 ha mía, 4 ha điều và 2 ha mì. Đất đai nhiều, công sức lao động bỏ ra quá lớn mà giá cả nông sản bấp bênh nên thu nhập từ trồng trọt không ổn định, khiến ông Hiệu cứ băn khoăn tìm lối ra.
Năm 2012, qua người thân giới thiệu, ông Hiệu khăn gói ra thủ phủ nuôi hươu ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) để học nghề. Sau đó, ông bỏ ra gần 60 triệu đồng mua 2 con hươu sao đực và 1 con hươu sao cái về nuôi. Thời điểm này, ở huyện Ia Pa chưa có người nào nuôi hươu-vốn là loài động vật có nguồn gốc hoang dã. Hươu đã mua về nhưng phải mất 1 năm sau, ông mới lo xong giấy tờ thủ tục lập trang trại nuôi hươu ở thôn Kim Năng 2.
Thấm thoắt đã 6 năm trôi qua, trang trại của ông Hiệu giờ đã có 10 con hươu (6 đực, 4 cái). Ngoài ra, ông cũng đã có hươu giống bán cho gần chục hộ khác ở huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa để phát triển thành một nghề chăn nuôi mới. “Con hươu cũng giống như con bò. Các dịch bệnh và cách phòng ngừa tương tự nhau, thức ăn cũng thế nên ai muốn đều có thể nuôi được. Cứ người nào đến hỏi là tôi hướng dẫn tận tình”-ông Hiệu cười nói.
Theo ông Hiệu thì nuôi hươu phải làm chuồng nhốt và có khoảng sân rộng để chúng đi lại, chạy nhảy. Xung quanh chuồng phải dựng hàng rào cao khoảng 3 m để hươu không phóng ra ngoài, chạy mất. Hươu ăn ít, chủ yếu là cỏ kết hợp thức ăn tinh như khoai lang, mì, bắp. Ông trồng 1 sào cỏ là đủ cung cấp thức ăn thô cho 10 con hươu.
Mỗi năm, hươu cái đẻ được 1 hươu con; hươu đực cho 1 lần cắt nhung vào tháng Chạp. Nhung hươu của ông Hiệu đã nổi tiếng khắp huyện Ia Pa từ mấy năm nay. Đàn hươu đực 6 con của ông mỗi năm cho gần 3,5 kg nhung, bán được hơn 60 triệu đồng; mỗi con hươu giống bán được 10-15 triệu đồng.
Từ thành công ở trang trại nuôi hươu sao của mình, ông Hiệu đã hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống giúp nhiều hộ xây dựng trang trại nuôi hươu. Ông cũng thành lập Tổ liên kết nuôi hươu sao lấy nhung, thu hút gần chục hộ tham gia. Trong đó, một số hộ bước đầu nuôi hươu thành công như: bà Đinh Thị Ngân (thôn Kim Năng 2, xã Ia Ma Rơn) nuôi 17 con; ông Sơn (thôn Kơ Nia, xã Ia Trok) nuôi 9 con, ông Tuyến (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) nuôi 8 con…
Bây giờ về huyện Ia Pa, mọi người gọi vui cựu chiến binh Đinh Quang Hiệu là Hiệu “hươu” như một sự ghi nhận người có công mở lối nghề nuôi hươu ở vùng đất nghèo này.
Đức Phương