Diễn đàn kết nối Tây Nguyên: Đưa vùng đất đỏ bazan cất cánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao đổi với phóng viên TTXVN về tiềm năng cũng như những cơ hội “cất cánh” của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.
 
Ảnh minh họa. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ảnh minh họa. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Vị trí địa lý, khí hậu đang ban tặng cho Tây Nguyên phát triển đa dạng: cây ăn quả, cây công nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu có chất lượng cao. Tuy nhiên, sự kết nối giữa người sản xuất, chế biến với tiêu dùng; đặc biệt là khâu sản xuất nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch-dịch vụ, quảng bá sản phẩm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, mặc dù Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn. 
Trước thềm Diễn đàn kết nối Tây Nguyên sẽ được tổ chức ngày 21/5 tại Gia Lai, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về tiềm năng cũng như những cơ hội “cất cánh” của vùng đất đỏ bazan này.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nông nghiệp của Tây Nguyên?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đặc biệt quan trọng. Có lợi thế về đất đai với 5,45 triệu ha; trong đó đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm trên 90% và 1,3 triệu ha đất đỏ bazan, đây là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái.
Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu có chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh....; phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh. Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo. 
Đây là lợi thế so sánh rất lớn để Tây Nguyên phát triển nông nghiệp. Trong những năm gần đây nông nghiệp khu vực Tây Nguyên có bước phát triển rất tích cực.
Thêm vào đó, hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không dần được hoàn thiện với 3 sân bay; trong đó có 1 sân bay quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong vùng và liên vùng như: Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh; với Đông Bắc của Campuchia và các quốc gia trong khu vực...
Với lợi thế về rừng, dưới tán rừng Tây Nguyên có thể làm dịch vụ, trồng cây dược liệu với giá trị kinh tế rất cao.  Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thời gian tới sẽ xây dựng đề án phát triển sâm Việt Nam, khi đó các tỉnh Tây Nguyên sẽ có lợi thế này. Một số doanh nghiệp đã bước đầu xúc tiến đầu tư vào trồng dược liệu dưới tán rừng.
Chăn nuôi cũng là một lợi thế của Tây Nguyên với đàn trâu bò khoảng 1 triệu con, 1,7 triệu con lợn, 2,2 triệu con gia cầm… đây là vùng có thể phát triển chăn nuôi với quy mô sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi kép kín. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn trong nước và nước ngoài đã đến đây tìm hiểu và đã rót vốn đầu tư.
- Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi như vậy nhưng sản xuất nông nghiệp dường như lại chưa mang lại cho bà con nơi đây sự giàu có bền vững. Các tỉnh Tây Nguyên cần phải làm gì để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản bền vững, đưa nông sản Tây Nguyên vươn xa?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hạ tầng ở Tây Nguyên tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này chỉ bằng 66% cả nước, số hộ nghèo còn chiếm 11%. Tây Nguyên còn có số lượng dân di cư rất lớn, cộng với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
Sự quân tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Nhà nước đã được triển khai nhưng còn nhiều hạn chế về nguồn lực, nhân lực. Nguồn nhân lực được đào tạo ở khu vực này mới đạt 13%. Đây là những hạn chế yếu kém cần khắc phục mang tính đồng bộ cả về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế để có thể “thức dậy” Tây Nguyên với lợi thế so sánh.
 
Những ruộng lúa tại huyện Chư Păh (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
Những ruộng lúa tại huyện Chư Păh (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
Để khắc phục những tồn tại trên và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản bền vững, nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên, trước hết là vấn đề quy hoạch. Đây là vấn đề rất quan trọng vì đó là căn cứ để phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp và các tỉnh Tây Nguyên có định hướng xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. 
Trong năm vừa qua, Tây Nguyên đã có những cây chủ lực như cao su, hồ tiêu, càphê, cây ăn quả….  Nhưng việc trồng các cây này chưa gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt là chế biến sâu và sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây là vấn đề mà các địa phương, doanh nghiệp cũng cần tự cơ cấu lại. Phân bổ, quy hoạch vùng, xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, khai thác đất đồi núi trọc để đa dạng chuyên canh; xây dựng các trung tâm sản xuất, chế biến cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao.
Ngoài việc rà soát diện tích, các đối tượng để đánh giá lợi thế của Tây Nguyên có thể phát triển được thì cũng cần xem xét lại các doanh nghiệp với trình độ, quy mô còn hạn chế như vậy thì có thể tạo dựng lại một không gian về nông nghiệp cho vùng này cập nhật được với tình hình thị trường quốc tế. 
Các tỉnh Tây Nguyên cần phát triển mạnh, chú trọng nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng. Kết nối hành lang đa dạng sinh học với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; cùng các vùng kết nối chia sẻ thông tin sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy mô, diện tích sản xuất phục vụ chế biến, tiêu dùng, giảm rủi ro.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban nhân dân các tỉnh tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư vào các khâu liên kết sản xuất, chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản.
Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế, kích thích sản xuất-kinh doanh nông sản phát triển; gắn kết gần hơn giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Tây Nguyên là nơi sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc như Kinh, Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm...; đặc biệt là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống; trong đó có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nhưng trong nhiều năm qua chưa được khai thác. Chúng ta có thể phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Lợi thế này được khai thác, thúc đẩy phát triển thì Tây Nguyên là lợi thế và giàu có, văn minh. 
- Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, kết nối sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản, được địa phương, doanh nghiệp, nông dân ghi nhận và đánh giá rất cao. Việc Bộ phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn kết nối Tây Nguyên tại Gia Lai lần này có ý nghĩa như thế nào đối với nông nghiệp tỉnh Gia Lai nói riêng và nông nghiệp khu vực Tây Nguyên nói chung, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy những thành công của việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại một số địa phương thời gian vừa qua. Lần này, Bộ phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn kết nối Tây Nguyên bởi Gia lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước, tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 30,38% tổng giá trị sản phẩm (GDP) của tỉnh; trong đó trên 46,23% là đồng bào các dân tộc ít người rất cần được hỗ trợ phát triển sản xuất. 
Việc tổ chức diễn đàn sẽ thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, phù hợp với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, lấy chất lượng và giá trị thay vì sản lượng cao, chất lượng thấp như trước đây.
Đây cũng là dịp các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu điều kiện thực tế, nghiên cứu các chính sách ưu đãi của tỉnh để đầu tư vào Gia Lai cũng như Tây Nguyên, bởi các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh, văn hóa, dân tộc, thổ nhưỡng. Các tỉnh Tây Nguyên cũng có cơ hội để tìm hiểu doanh nghiệp cần gì, các doanh nghiệp cũng muốn các tỉnh hiểu mình và nên đầu tư lĩnh vực nào.
Bước chuẩn bị đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã vào tận nơi tìm hiểu để tỉnh giải đáp các vướng mắc cũng như hướng dẫn cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là sức khỏe của ngành, lĩnh vực, nền kinh tế. Nếu chúng ta không có môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư kể cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thì sẽ không thể có đủ nguồn lực để vực dậy.
Tôi tin tưởng rằng sau diễn đàn này, nhiều nhà đầu tư sẽ đến phát triển sản xuất lâu dài ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên, giúp cho Tây Nguyên phát triển “Nông nghiệp sinh thái-chất lượng nâng cao-đậm đà bản sắc”.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.