Dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Kon Tum diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2021, song theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh Kon Tum, nguy cơ dịch bệnh này bùng phát trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn, nhất là thời điểm giao mùa sắp tới.

Đàn lợn bị nhiễm bệnh trước khi bị đem đi tiêu hủy. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Đàn lợn bị nhiễm bệnh trước khi bị đem đi tiêu hủy. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 150 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng gần 4,5 tấn.
Dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2021, song theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ dịch bệnh này bùng phát trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn, nhất là thời điểm giao mùa sắp tới.
Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, cho biết từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục cơ bản đã được khống chế, không còn xuất hiện trường hợp mắc bệnh mới. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện, cho thấy diễn biến phức tạp của loại dịch bệnh này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay, số lượng hộ chăn nuôi ở quy mô nông hộ chiếm đa số và hầu hết có điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học. Một số hộ còn chăn nuôi theo phương thức thả rông.
Bên cạnh đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, hiện chưa có vaccine phòng bệnh cũng như có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Trong khi đó, tình hình khí hậu, thời tiết ngày càng có diễn biến tiêu cực, nền nhiệt giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức đề kháng của vật nuôi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ ngày càng phức tạp dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm và lây lan ngày càng cao.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum khuyến cáo bà con áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đồng thời sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp; lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm vaccine phòng các bệnh nguy hiểm theo quy định, ông Đoàn Thanh Mai thông tin.
Theo thống kê, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục…, khiến gần 5.400 con gia súc mắc bệnh, chủ yếu là trâu, bò và lợn.
Lực lượng chức năng đã buộc phải tiêu hủy 1.653 con gia súc, gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp.
Hiện tổng đàn gia súc của tỉnh Kon Tum là gần 267.000 con, riêng lợn là 156.500 con. Với số đàn lợn lớn, bà con chăn nuôi cần chú ý thực hiện nghiêm các quy định cũng như khuyến cáo của cơ quan chức năng, tránh xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi.
Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.