Địa danh có từ tố "An" ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- An Khê-vùng đất đầu tiên có sự hiện diện của người Việt (Kinh) trên đất Gia Lai-có rất nhiều địa danh Hán-Việt. Trong đó, những địa danh có từ tố An ở bờ Đông sông Ba chiếm một tỷ lệ rất lớn. Theo giải thích của những người có tuổi, từ tố “An” ở đây đồng nghĩa với “yên”, thể hiện ước muốn được sống yên ổn, tốt lành trên vùng đất mới.

Khoảng từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX, đời sống của nông dân Việt Nam ở dải đất miền Trung vô cùng cơ cực. Để tránh ách áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân, trốn chạy khỏi cảnh sưu cao, thuế nặng, bên cạnh những tù binh bị bắt trong chiến tranh Trịnh-Nguyễn, nhiều người Việt đã tìm đường tiến lên vùng rừng núi phía Tây và chọn vùng trũng An Khê để lập nghiệp. Tại một vùng đất có hoàn cảnh môi sinh hoàn toàn khác biệt so với nơi họ ra đi, nơi đến-theo quan niệm của người Việt-là chốn “rừng thiêng nước độc”, với những phương thức canh tác hoàn toàn mới...  thì giấc mơ được bình yên, tốt lành cũng là ước muốn lớn nhất của họ.

 

Một góc thị xã An Khê. Ảnh: Đ.T
Một góc thị xã An Khê. Ảnh: Đ.T

Ở An Khê, nơi những người Việt có mặt đầu tiên trên đất Gia Lai, những địa danh có tiền tố, từ tố “An” thường nằm ở phía tả ngạn sông Ba-tức là phía gần khu vực đồng bằng ven biển-nơi người Việt đã định cư trước đó nhiều thế kỷ. Một số ví dụ cụ thể sau sẽ minh chứng cho điều đó:

- Làng An Định là một trong 2 địa điểm mà người Việt có mặt đầu tiên trên đất An Khê-nay thuộc xã Cửu An, thị xã An Khê. Dòng họ đầu tiên khai phá vùng đất này là họ Nguyễn. Tên của làng là An Điền được giải thích là nơi có nhiều ruộng và người dân có cuộc sống khá yên ổn. Năm 1946, từ một làng An Điền ban đầu, cư dân ở đây đã chia tách ra thành 2 làng An Điền Bắc và An Điền Nam (lấy trục đường liên xã hiện nay làm ranh giới).

- An Thạch vốn là một làng thuộc xã Cửu An. Vì vị trí ban đầu của làng ở phía Tây núi Hai (hai hòn núi đứng kế nhau), ngọn núi này lại có nhiều đá trắng, từ trong làng nhìn lên, những khối đá đập ngay vào tầm mắt chúng ta. Theo lời thầy bói, đá trắng nhìn vào làng là không tốt, nên dân phải dời làng từ An Thạch 1 sang vị trí mới (An Thạch 2, nay là thôn An Thạch, xã Tú An). Người dân ở đây cũng giải thích tên của làng mình: An là yên bình, Thạch là đá.

- An Lũy vốn là tên của một làng nằm ở phía Nam quốc lộ 19, đoạn chạy qua trung tâm thị xã An Khê.  Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cũng xác định đây chính là thôn An Khê xưa. Khi thôn An Khê mở rộng ra, xóm gốc còn được gọi là xóm Lũy. Năm 1963, do chính quyền Sài Gòn đưa thêm dân từ miền Trung lên định cư trên vùng đất này mà xóm Lũy đổi thành thôn An Lũy 1 và thôn An Lũy 2 thuộc xã An Khê. Thôn An Lũy 1 trước kia nay thuộc tổ 15, phường An Phú; thôn An Lũy 2 trước kia nay thuộc tổ 14, phường Tây Sơn. Đây là nơi có cụm di tích LũyAn Khê-An Khê trường-Gò Chợ thuộc quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận.

Những địa danh có tiền tố và từ tố “An” là biểu hiện một ước mơ lớn nhất của lưu dân người Việt khi đến lập nghiệp trên vùng đất mới hiện vẫn còn khá dày trên vùng đất An Khê.

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm