(GLO)- Sau 40 năm kể từ ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, mà đặc biệt là 5 năm lại đây với sự quyết tâm cao độ trong đầu tư phát triển, chúng ta đã có một Gia Lai với một diện mạo về kinh tế-xã hội như ngày nay, đấy cũng là một quá trình phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, trung thành với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ và sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp.
Vùng đất mang tên Gia Lai
Một góc TP. Pleiku hôm nay. |
Từ thuở xa xưa, hết nhập, lại chia tách, lại đổi tên, cuối cùng vùng đất yêu thương mà chúng ta đang sống cách đây 83 năm rồi cũng đã đến lúc hình thành và giữ cho mình một cái tên để gọi. Có thể nêu khái quát, vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai và Bahnar anh em. Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên, bà con đồng bào các dân tộc ở đây đang còn sống ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.
Từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập khu vực cư trú của người Bahnar thuộc xã Hà Tây (huyện Chư Pah) và xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) ngày nay để truyền đạo. Theo chân những người truyền đạo, quân đội Pháp ngày càng tiến sâu vào vùng Bắc Tây Nguyên, tạo nên những xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị, dựa vào nhóm người này để kích động chống lại nhóm người khác, thực hiện âm mưu chia rẽ Kinh-Thượng, chia rẽ các dân tộc, thậm chí là giữa các làng, các cụm dân cư trong vùng với nhau. Bởi vậy, trong cộng đồng các làng, các bộ tộc thay đổi theo chiều hướng ngày thêm phức tạp, những cộng đồng bị chia tách, thiếu sự cấu kết, tương trợ và dần hình thành giai cấp, phân hóa sâu trong cộng đồng, mâu thuẫn nội tại ngày thêm sâu sắc...
Trước tình hình đó, người Pháp đã bắt đầu chuẩn bị cho việc lập ra bộ máy cai trị. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tỉnh Pleiku có thị xã Pleiku (thành lập ngày 3-12-1929), huyện An Khê, huyện Plei Kli, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng đặt tên là Gia Lai. Tháng 6-1946, thực dân Pháp chiếm lại Gia Lai và vẫn gọi tên của tỉnh là Pleiku. Từ năm 1946-1954, tỉnh Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung trải qua nhiều lần chủ thể cai quản theo các văn bản của chính quyền thực dân và chính phủ bù nhìn. Và kể từ năm 1954 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng-năm 1975, chính quyền Sài Gòn vẫn gọi tên tỉnh là Pleiku, nhưng diện mạo của tỉnh đã có nhiều thay đổi, nhất là từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, Pleiku nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung trở thành chiến trường ác liệt.
Về phía chính quyền cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược cho đến năm 1975 vẫn giữ tên tỉnh là Gia Lai, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Tháng 9-1975, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày 12-8-1991, Gia Lai-Kon Tum tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
5 năm mới bấy nhiêu ngày…
Ban Chấp hành Đảng bộ họp phiên nội bộ, thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo dự thảo (lần 1) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Tỉnh ủy Gia Lai vừa họp chuẩn bị nội dung báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sắp tới, trong đó bước đầu ghi nhận nhiều kết quả đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà cả nhân dân và Đảng bộ đã phấn đấu trong suốt 5 năm qua, kể từ Đại hội XIV (2010). Nhận định cho thấy khái quát tình hình mọi mặt rất đáng mừng, mặc dù liên tục trong nhiều năm lại đây, tình hình kinh tế thế giới, trong nước, trong tỉnh rất khó khăn, tuy vậy, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch vẫn đạt ở mức cao, nhiều khó khăn, thách thức đã được vượt qua. Theo đó, 17/20 chỉ tiêu đề ra từ Đại hội XIV đã hoàn thành.
Trong 5 năm, kể từ 2010 trở lại đây, Gia Lai đã có những cố gắng trong đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Vài số liệu đạt được rất đáng quan tâm: Tăng trưởng kinh tế: 12,81%; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành: 39,1 triệu đồng/năm; huy động GDP vào ngân sách bình quân hàng năm: 10,3%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội/5 năm: 60.703 tỷ đồng, mỗi năm tăng 13,8%; 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 80% trạm y tế xã có bác sĩ; hộ nghèo giảm từ 27,5% (năm 2010) xuống còn 11,6% (năm 2015); 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới. |
Kinh tế tăng trưởng cao, bình quân hàng năm là 12,81%; quy mô nền kinh tế được mở rộng, tính đến năm nay gấp 2,54 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/năm, bằng 79,7% so với bình quân chung cả nước. Ngân sách thu năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra (vượt 1.110 tỷ đồng/5 năm, dự kiến năm 2015 sẽ thu vào ngân sách đạt 5.034 tỷ đồng-chưa kể phần trừ cho việc miễn, giảm thuế theo quy định của Nhà nước).
Kinh tế phát triển, xã hội ổn định. Việc đầu tư cho phát triển kinh tế luôn gắn vấn đề xã hội, đặt lợi ích xã hội là mục tiêu của sự phát triển kinh tế. Vì vậy lĩnh vực văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chú ý và thu nhiều kết quả đáng khích lệ. Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và việc xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm.
83 năm qua, với chiều dài lịch sử của một vùng đất thì chưa dài, song đó là một dấu mốc rất đáng tự hào; đặc biệt là từ khi thành lập và có sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý của chính quyền cách mạng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và hăng say lao động. Trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Gia Lai đã gặt hái nhiều thành quả đáng kể, kinh tế-xã hội thay đổi theo chiều hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Còn nhớ, sau những năm đầu giải phóng, kinh tế-xã hội tỉnh nhà vô cùng khó khăn, diện người đói, đau, bệnh tật và mù chữ ở một tỷ lệ rất cao. Kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội hầu như không có gì đáng kể; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khá phức tạp.
Đến nay, sau 40 năm kể từ ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, mà đặc biệt là 5 năm lại đây với sự quyết tâm cao độ trong đầu tư phát triển, chúng ta đã có một Gia Lai với một diện mạo về kinh tế-xã hội như ngày nay, đấy cũng là một quá trình phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, trung thành với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ và sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp.
Khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều ở phía trước. Tới đây, Đảng bộ tỉnh sẽ tiến hành Đại hội lần thứ XV. Ở đó, chúng ta tin tưởng sự sáng suốt của các đại biểu là những người đảng viên ưu tú sẽ có những quyết sách đúng đắn, nhằm đưa Gia Lai trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh vững mạnh.
Bích Hà
--------------
Trong bài viết có tham khảo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945-2005”, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2009 và một số tài liệu liên quan khác.