Đến vụ thu hoạch nông dân Đắk Nông lo chống trộm cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, cây cà phê đã bước vào niên vụ thu hoạch nhưng tài sản đáng giá của người nông dân Đắk Nông lại đang nằm ở ngoài đồng. Thế nên, rất người dân vẫn chưa thể yên tâm, họ vừa thu hoạch vừa lo đấu tranh với nạn trộm cắp. 
 
Công an Trường Xuân tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp cà phê để bà con nông dân nâng cao cảnh giác. Ảnh: V.Đ
Công an Trường Xuân tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp cà phê để bà con nông dân nâng cao cảnh giác. Ảnh: V.Đ
Vào vụ thu hoạch, cà phê tặc xuất hiện
Ngay đầu vụ thu hoạch, gia đình ông Y Kem, ở bon Bu Păh, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đã bị kẻ gian vào vườn hái trộm hàng chục cây cà phê.
Quá trình vận chuyển đem đi tiêu thụ, các đối tượng đã bị người dân địa phương phát hiện. Sau đó, các đối tượng đã vứt bỏ 3 bao cà phê ở lại hiện trường để tháo chạy, thoát thân.
Vào vườn kiểm tra sự việc, ông Y Kem phát hiện có thêm 2 bao cà phê mà kẻ gian chưa kịp mang đi tiêu thụ.Theo ông Y Kem, kết quả kiểm đếm đã có hơn 50 cây cà phê bị kẻ gian hái trộm, thiệt hại khoảng hơn 400kg quả tươi.
Sau khi xảy ra sự việc, ông Y Kem đã trình báo cho Công an xã Trường Xuân vào cuộc. Trao đổi về việc này, ông Y Kem cho biết, đây không phải là lần đầu tiên vườn cà phê của ông bị mất trộm.
Theo Công an xã Trường Xuân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã nhanh chóng bắt được 5 đối tượng hái trộm 11 bao cà phê của gia đình ông Y Kem.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã mang 6 bao cà phê đưa đi tiêu thụ. Hiện vụ việc trộm cắp cà phê đã được Công an xã Trường Xuân chuyển cho công an huyện Đắk Song củng cố hồ sơ, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Sau khi xảy ra sự việc, gia đình ông Y Kem và người dân xã Trường Xuân đã chú trọng đến việc tuần tra, canh gác, bảo vệ vườn rẫy cà phê hàng ngày.  
"Cà phê là tài sản quý giá mà một năm trời tôi cùng nhau lao động vất vả mới có được. Sợ bị mất trộm, ban ngày tôi đi hái, ban đêm tôi cùng với các hộ dân canh giữ vườn cà phê để bảo vệ mùa màng cho mình và bà con trong vùng”,  Ông Y Kem khẳng định. 
Tương tự, ông Lê Ngọc Ga, ở xã Trường Xuân cho hay: “Ngoài việc chủ động đi thăm rẫy chúng tôi còn gắn thêm camera để quan sát dọc các tuyến đường nhằm phát hiện những đối tượng lạ mặt, nghi vấn trộm cắp đi ngang qua. Từ đó, việc canh giữ cà phê sẽ hiệu quả hơn”.
Trao đổi về việc bảo vệ cà phê cho Nhân dân, Đại úy Nguyễn Văn Đô, Phó trưởng Công an xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông cho biết, đến vụ thu hoạch cà phê, ngoài tuyên truyền cho bà con cách phòng chống các loai tội phạm, đặc biệt là trộm cắp tài sản, công an xã đã phối hợp với tổ an ninh trật tự thôn, bon đi tuần tra, kiểm soát địa bàn có nhiều vườn rẫy cà phê.
Đặc biệt, lực lượng công an cũng chú trọng đến việc kiểm tra, nắm bắt người lao động tự do ở nơi khác đến địa bàn làm thuê theo thời vụ. "Việc này nhằm nắm chắc số người từ địa bàn khác về làm công, sinh sống, đồng thời răn đe các đối tượng có tiền án tiền sự trộm cắp tài sản” - Đại úy Đô chia sẻ.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.