Đề xuất mở rộng khai thác bauxite Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong kiến nghị gửi tới Chính phủ tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp nhà nước cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề xuất về quy hoạch phát triển khoáng sản bauxite cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Khai thác bauxite Tây Nguyên.
Khai thác bauxite Tây Nguyên.
Theo báo cáo của TKV, đối với các khoáng sản quan trọng mà TKV được Chính phủ giao khai thác hoặc tổ chức thăm dò (như than, bauxite, titan...), Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch, như: Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến 2020, có xét đến 2030,...
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết, Tập đoàn đã hoàn thành công tác thăm dò, phê duyệt trữ lượng 12 mỏ bauxite ở hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, với tổng trữ lượng và tài nguyên là 3,2 tỷ tấn quặng nguyên khai. Tuy nhiên, hiện tại TKV mới được cấp phép khai thác một phần trữ lượng của hai mỏ Tân Rai và Nhân Cơ với tổng trữ lượng được khai thác là 260 triệu tấn.
Sau hơn 15 năm đầu tư hai dự án bauxite ở Tây Nguyên, gồm tổ hợp dự án bauxite-nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) với công suất mỗi dự án 650 nghìn tấn alumin/năm, đến nay cả hai dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Tại Nghị quyết 119/NQ-CP ban hành ngày 27/9/2021, Chính phủ đã đồng ý chủ trương tiến hành điều chỉnh kéo dài thời hạn các quy hoạch đã hết thời hạn quy hoạch và giao các bộ, địa phương lập các quy hoạch cần điều chỉnh.
Tuy vậy, đến nay các quy hoạch (điều chỉnh) này vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, TKV đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để các bộ, ngành sớm thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để Tập đoàn triển khai các dự án khai thác, chế biến quặng bauxite ở Tây Nguyên.
Trước đó, hồi đầu tháng 2/2022, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2045, đã nêu rõ định hướng: Áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế.
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân”, nghị quyết nêu rõ.
Về hành lang pháp lý cho việc đấu giá khai thác khoáng sản, ngày 14/2/2022 vừa qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét lại các nội dung giá khởi điểm đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của bộ và thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; việc tính, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục tiếp thu giải trình ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông Đào Chí Biền, Phó Cục trưởng điều hành Cục Kinh tế địa chất và Khoáng sản cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã rà soát lại các quy định của Luật Đấu giá tài sản và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời.
Theo AN BIÊN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.