Câu chuyện tìm việc và để có được công việc phù hợp sau khi ra trường là nỗi trăn trở của hầu hết sinh viên. Vậy sinh viên cần chuẩn bị hành trang như thế nào để từ giảng đường có thể bước thẳng vào doanh nghiệp?
Sinh viên đăng ký tham gia phỏng vấn thử trong chương trình do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức |
Tại buổi tọa đàm “Từ giảng đường đến doanh nghiệp” do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức, nhiều diễn giả đã có những chia sẻ hữu ích xoay quanh vấn đề này.
Điều gì khiến bạn nuối tiếc nhất ?
Khi được hỏi: “Nếu quay lại thời sinh viên, điều gì khiến bạn nuối tiếc nhất?”, Lê Yên Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (người từng từ chối Google để về nước khởi nghiệp), cho rằng điều nuối tiếc nhất là không xác định được mục tiêu rõ ràng cho tương lai.
Yên Thanh chia sẻ lúc còn sinh viên có 3 sở thích: nghiên cứu khoa học; thích làm cho những công ty công nghệ lớn như Google, Facebook; và thích khởi nghiệp. “Chính vì thế suốt 4 năm đại học mình đã thử sức và trải nghiệm qua tất cả những điều mình thích. Nhưng nếu từ đầu bản thân xác định được thích khởi nghiệp thì mình đã có được những sự chuẩn bị tốt hơn, tập trung hơn, đột phá và tiến xa hơn nữa”, Yên Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo Yên Thanh, nhiều sinh viên chưa xác định được mình muốn gì cho tương lai. Thậm chí có những sinh viên chưa xác định được mục tiêu và niềm đam mê của mình là gì. Điều này rất nguy hiểm. Vì khi không biết mình thích cái gì, thì sẽ không có động lực để cố gắng. Mãi đến lúc tốt nghiệp ra trường, thấy công việc mình làm không phù hợp rồi trở nên chán nản, mất định hướng, mất niềm tin.
“Cách để xác định đam mê của mình là hãy thử tưởng tượng nếu bạn có 1 triệu USD thì sẽ làm gì? Bỏ qua tất cả mọi thứ, từ việc làm từ thiện, gia đình, thì suy nghĩ đầu tiên trong đầu của bạn chính là cái bạn đam mê”, Yên Thanh chia sẻ.
Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên ?
"Suốt 4 năm đại học mình đã thử sức và trải nghiệm qua tất cả những điều mình thích. Nhưng nếu từ đầu bản thân xác định được thích khởi nghiệp thì mình đã có được những sự chuẩn bị tốt hơn, tập trung hơn"-Lê Yên Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM |
Đây là vấn đề mà nhiều sinh viên đặt ra cho các diễn giả. Theo anh Hồ Đức Hoàn, CEO và đồng sáng lập Công ty EBIV: “Tôi không thích dùng cụm từ “đi xin việc”. “Xin” làm mình cảm giác mình thấp kém hơn người tuyển dụng. Trong những cuộc phỏng vấn, bạn và nhà tuyển dụng ngang hàng, bạn đang bán những giá trị của mình có thể mang lại lợi ích cho công ty thì tại sao phải xin? Không xin bất cứ cái gì cả. Tôi có những giá trị anh cần, anh có những giá trị tôi cần, đây là sự hợp tác giữa hai bên”.
Anh Hoàn nói thêm: “Phải chỉnh tâm thế là “tôi đến đây để phỏng vấn ứng tuyển”, nghe như vậy nhà tuyển dụng đã thấy bạn có đẳng cấp, có sự khác biệt. Nên đầu tiên phải nghĩ mình bằng người ta, mình mang giá trị đến cho người ta thì lúc đó thái độ của bạn khi đi tuyển dụng mới khác được”. Cũng theo anh Hoàn, tâm thế này sẽ thể hiện được sự tự tin của bạn. Khi đi phỏng vấn, sự tự tin là điều rất quan trọng. Cũng như điện yếu thì bóng cũng mờ, thiếu tự tin thì mọi biểu hiện của bạn cũng thất bại.
Anh Hoàn còn chia sẻ: “Điểm số ở trường quan trọng nhưng công ty luôn tìm người phù hợp nhất chứ không phải người giỏi nhất. Bên cạnh CV, sinh viên cần có một thư ứng tuyển để viết ra tại sao bạn là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí này”.
Để vượt qua rào cản… kinh nghiệm
Nguyễn Tiến Thịnh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, hỏi: “Hầu hết các công ty tuyển dụng đều đòi hỏi sinh viên có kinh nghiệm. Vậy làm thế nào sinh viên vượt qua rào cản này?”.
Chị Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar Việt Nam, cho rằng nếu bạn thể hiện sự quan tâm với công ty, với vị trí ứng tuyển thì bạn sẽ vượt qua được rào cản 3 năm kinh nghiệm.
Cũng theo chị Đào, có nhiều cách để thể hiện sự quan tâm, có thể là qua cách trình bày CV, cách gửi CV. Thực ra khi nhà tuyển dụng yêu cầu cần 2 - 3 năm kinh nghiệm, họ muốn có sự đảm bảo về khả năng tiếp xúc với môi trường và năng lực của bạn. Nhưng bạn phải nhìn thấy được đằng sau những điều kiện này là họ đang tìm cái gì chứ không phải cứ nghĩ mình không đủ 2 - 3 năm kinh nghiệm là thôi. Có rất nhiều người thông minh hơn mình, họ sẽ nhìn thấy cái đằng sau đó là gì và sẽ tìm cách để đạt được.
Thịnh cũng hỏi thêm: “Sau khi đã vào công ty thì làm thế nào để thích ứng với thời gian thử việc?”.
Chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty Anbooks, chia sẻ: “Đầu tiên các bạn nên quan sát thử xem trong công ty ai là người được tín nhiệm nhiều nhất. Rồi nhìn xem những cách hành xử trong công việc, cách làm việc, xử lý vấn đề của người này như thế nào. Thứ hai là quan sát người mà công ty không tín nhiệm nhiều nhất, để xem tại sao và phong cách làm việc của họ như thế nào mà không được tín nhiệm. Đây là cách nhanh nhất giúp bạn làm quen với công việc, với văn hóa của công ty”.
Nữ Vương (thanhnien)