Đạo diễn-Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Nhuệ Giang: Chọn một số nhân vật phim “Lạc rừng” ngay tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Mới đây, đoàn làm phim của Công ty TNHH HDA Phim (Hội Điện ảnh Việt Nam) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 về việc sản xuất bộ phim truyện điện ảnh “Lạc rừng”; đồng thời, khảo sát một số địa điểm để chọn làm bối cảnh phim.

Trao đổi về dự án, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Nhuệ Giang-Đạo diễn bộ phim đã chia sẻ với Báo Gia Lai những thông tin thú vị.

* P.V: Vì sao tiểu thuyết “Lạc rừng” của nhà văn Trung Trung Đỉnh được chọn làm phim? Phải chăng là do đề tài Tây Nguyên hấp dẫn, thưa bà?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang trong chuyến khảo sát bối cảnh mới đây tại thác K50, huyện Kbang (ảnh nhân vật cung cấp).

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang trong chuyến khảo sát bối cảnh mới đây tại thác K50, huyện Kbang (ảnh nhân vật cung cấp).

- Đạo diễn PHẠM NHUỆ GIANG: Đúng vậy. Tây Nguyên là vùng đất bí ẩn, huyền thoại mà trước nay chưa có nhiều phim điện ảnh khai thác. Hơn nữa, đề tài chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh có nhiều đoạn rất xuất sắc, ông không chỉ khai thác những trận đánh trực tiếp mà khai thác phía sau cuộc chiến: đó là công việc của một tiểu đội làm công tác tử sĩ, là những trang viết về cái chết của cả 2 phía... Ngoài ra, các nhân vật có số phận, cá tính đậm chất lính: chân thật và hóm hỉnh…

Kịch bản phim không gói gọn trong tác phẩm “Lạc rừng” mà còn có một phần nội dung tiểu thuyết “Lính trận” của anh Trung Trung Đỉnh.

* P.V: Trong các phim đã làm nên tên tuổi của bà như “Thung lũng hoang vắng”, “Tâm hồn mẹ”…, người ta luôn thấy sự quan tâm dành cho những phận người nhỏ bé. Còn trong “Lạc rừng” thì như thế nào, thưa bà?

- Đạo diễn PHẠM NHUỆ GIANG: Tôi quan niệm một bộ phim hay phải đi sâu vào nội tâm, vì mục đích cuối cùng của nghệ thuật là khắc họa thành công tâm tư con người, khi mạnh mẽ, lúc yếu đuối. Phim về đề tài chiến tranh cũng vậy. Ngoài quy mô, sự hoành tráng của những cảnh quay về cuộc chiến, việc thể hiện được tâm tư, tình đồng đội của những người lính, sự đau khổ vì những hy sinh, mất mát của chiến tranh là hết sức cần thiết. Tình yêu, tình đồng đội giúp người lính có đủ sức mạnh để vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh.

Đạo diễn-Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Nhuệ Giang. Ảnh: Phương Duyên

Đạo diễn-Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Nhuệ Giang. Ảnh: Phương Duyên

* P.V: Lần đầu tiên đạo diễn một bộ phim về đề tài chiến tranh, đâu là khó khăn lớn nhất đối với bà và cả đoàn?

- Đạo diễn PHẠM NHUỆ GIANG: Khó khăn thì rất nhiều. Từ trước đến nay, phim về đề tài chiến tranh thường rất tốn kém vì phải đầu tư quân trang, quân phục, khí tài, đạo cụ, kỹ xảo... Phim “Lạc rừng” còn khó hơn vì phải huy động một số lượng lớn người nước ngoài tham gia đóng lính Mỹ…

Chưa kể, bối cảnh phải cải tạo, vì thời hiện tại đã thay đổi rất nhiều so với hơn 50 năm trước, buôn làng bây giờ đã bê tông hóa khá nhiều, mái nhà lợp tôn, rừng không còn bao quanh làng. Phải mất rất nhiều công sức để tạo dựng lại bối cảnh chiến trường xưa.

Hiện nay đoàn vẫn phải tìm kiếm thêm tài trợ để làm cho được một phim thật sự chất lượng, do đoàn chỉ được cấp một số tiền tương đối từ ngân sách nhà nước…

Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi làm phim này để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Sự hy sinh của họ lớn lắm. Họ là thế hệ vừa rời ghế nhà trường đã vào quân ngũ, hy sinh toàn bộ tuổi trẻ cho cuộc chiến đầy gian khổ. Biết là chiến tranh có thể hy sinh nhưng nhiều người vẫn lên đường.

May mắn là chúng tôi vẫn có những thuận lợi như được lãnh đạo tỉnh Gia Lai rất ủng hộ đối với việc thực hiện một bộ phim về những người lính và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã tham gia hết sức mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần vào chiến thắng của cả dân tộc. Tôi cũng có sự hỗ trợ lớn từ chồng là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, người từng thành công với nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh.

* P.V: Khán giả rất tò mò về dàn diễn viên sẽ tham gia bộ phim. Bà có thể thông tin thêm về nội dung này?

- Đạo diễn PHẠM NHUỆ GIANG: Phim về chiến tranh thì rất nhiều nhân vật. Về nhân vật chính, chúng tôi sẽ chọn những diễn viên nổi tiếng và phù hợp với nhân vật. Với 5 diễn viên là người Tây Nguyên trong phim, chắc chắn đoàn sẽ có buổi casting (thử vai) tại Gia Lai. Không thể lấy diễn viên người Kinh đóng vai đồng bào Tây Nguyên, vì họ không thể nào diễn cho ra được nét mặt, giọng nói… của bà con. Chúng tôi xác định khâu diễn viên phải làm rất kỹ vì điều này quyết định thành công của phim.

* P.V: Theo kế hoạch, khi nào phim sẽ bấm máy, thưa bà?

- Đạo diễn PHẠM NHUỆ GIANG: Khi có kinh phí thì chúng tôi mới có thể xây dựng, cải tạo bối cảnh. Dự kiến phim sẽ bấm máy vào khoảng tháng 8-2025. Cũng phải chọn mùa quay phù hợp; mùa mưa và mùa khô đan xen để tạo ra hiệu ứng hình ảnh phong phú và khác biệt. Khoảng năm 2026, phim sẽ hoàn thành.

* P.V:Phim về đề tài chiến tranh không mới và cũng kén khán giả hơn so với một số thể loại phim khác. Bà kỳ vọng tác phẩm được khán giả đón nhận như thế nào?

- Đạo diễn PHẠM NHUỆ GIANG: Tôi nghĩ phim chiến tranh luôn là thể loại có tính hấp dẫn bởi tính hành động của nó. Thêm vào đó, tình yêu hay tình đồng đội trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh luôn gây xúc động nên sẽ có sức hút với khán giả. Hơn nữa, phim về lịch sử chiến tranh sẽ mang đến cho người xem những kiến thức, những bài học quý về lịch sử. Nhất là giới trẻ, tôi hy vọng các bạn xem phim xong sẽ thấy yêu đất nước hơn, nuôi dưỡng lòng biết ơn và sống có trách nhiệm hơn. Phim ảnh cũng là một kênh giáo dục lịch sử. Nếu giới trẻ quay lưng với lịch sử thì rất đáng lo ngại.

Đoàn cũng đã chọn được những bối cảnh rất đẹp tại Gia Lai như thác Hang Én (thác K50, huyện Kbang). Đường vào thác hiểm trở, mai kia chuyển thiết bị, máy móc, đạo cụ vào càng phức tạp hơn nhưng chúng tôi quyết tâm làm vì đấy là vẻ đẹp thiên nhiên rất nổi bật. Tôi tin rằng những cảnh quay ấy sẽ khiến khán giả thật sự rung cảm.

* P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm

Trên 15.000 khán giả Gia Lai bùng cháy cùng Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone

Trên 15.000 khán giả Gia Lai bùng cháy cùng Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone

(GLO)- Tối 2-11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone mùa 2. Với phần trình diễn đầy ấn tượng của các ca sĩ: Isaac, Erik, Dương Domic, Hooligan, Ngọc Kayla, DJ Emma, Hype PG…sự kiện đã thu hút trên 15.000 khán giả tham gia.

Phim chữa lành có thầy tu '6 múi'

Phim chữa lành có thầy tu '6 múi'

Nhà sư trẻ mặc cà sa màu huyết dụ ở bên chú chó trắng dễ thương giữa phong cảnh mây núi hùng vĩ. Poster phim An Lạc lập tức thu hút những người quan tâm tới đạo Phật, tới đời sống tâm linh cũng như yêu động vật. Đó đều là những mã hình ảnh có tính toàn cầu.

Người vực dậy Phương Mỹ Chi

Người vực dậy Phương Mỹ Chi

Sau nhiều năm gắn với biệt danh cô bé dân ca, Phương Mỹ Chi chuyển hướng sang hình tượng nghệ sĩ pop, ballad kết hợp âm nhạc truyền thống. Thành công của Phương Mỹ Chi có sự góp công không nhỏ của nhóm producer DTAP.