Đang cấy lúa, nông dân nơi này của Lâm Đồng chuyển sang trồng cây gì mà thu nhập tăng gấp gần 6 lần?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cùng 1 diện tích đất nhưng người dân tại xã Tân Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập cao hơn từ 6-7 lần nhờ chuyển đổi trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm.
Đến xã Tân Văn vào những ngày cuối tháng 6, những cơn mưa chiều làm cho các vườn trồng dâu trở nên xanh tốt hơn. Được Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Văn dẫn đi thăm các mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao tại địa phương. Điều phóng viên ngạc nhiên chính là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người dân để phát triển kinh tế.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long
Nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long
Bà Lương Nữ Hoài Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn cho biết, cách đây khoảng 5 năm, diện tích đất trồng lúa của địa phương đạt hơn 200ha, tuy nhiên đến nay chỉ còn khoảng 100ha. Thay thế diện tích đất trồng lúa lại là những cánh đồng trồng dâu nuôi tằm xanh mơn mởn của người dân.
Cũng cách đây 5 năm, diện tích trồng dâu tại Tân Văn chỉ đạt 140ha, nhưng đến nay đã tăng lên hơn 240ha, trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Huyện Lâm Hà cũng là địa phương có giá kén tằm được thu mua với giá cao nhất cả tỉnh Lâm Đồng, hiện dao động ở mức 200.000 đồng/kg.

Nhiều diện tích trồng lúa đã được người dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà chuyển đổi qua trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: Văn Long
Nhiều diện tích trồng lúa đã được người dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà chuyển đổi qua trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: Văn Long
Tại thôn Tân Lin (xã Tân Văn) ông K’ Breo cho biết: "Từ những năm 1995, gia đình tôi từ trồng lúa đến nuôi cá trên diện tích khoảng 3.000m2. Tuy nhiên, trồng lúa thì sản lượng chỉ đủ ăn, không phát triển kinh tế được. Đến năm 2016, tại địa phương có phong trào trồng dâu, nuôi tằm, giá bán kén lại cao nên người dân phát triển kinh tế. Vì vậy, gia đình tôi cũng chuyển đổi trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm trên diện tích đất trên.
Với 3.000m2 đất trồng dâu, một tháng gia đình tôi nuôi được khoảng 1 hộp (1kg tằm giống). Năng suất kén được khoảng 60kg, sau khi trừ các chi phí thì cũng dư dả được khoảng 10 triệu đồng, cao hơn gấp khoảng 6 lần trồng lúa".

Ông K' Breo chăm sóc lứa tằm đang ăn rỗi, chuẩn bị cho thu hoạch kén của gia đình mình. Ảnh: Văn Long
Ông K' Breo chăm sóc lứa tằm đang ăn rỗi, chuẩn bị cho thu hoạch kén của gia đình mình. Ảnh: Văn Long
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tiến (45 tuổi, thôn Tân Lin) cho biết, cũng diện tích khoảng hơn 3.000m2 trồng dâu của gia đình mình, anh nuôi gối đầu liên tục trong 1 năm thì được ít nhất 10 hộp tằm, sau khi trừ chi phí thì mỗi năm cũng lời được khoảng 100 triệu đồng.

Ông K' Breo hái dâu, nuôi tằm tại vườn trên diện tích đất chuyển từ đất trồng lúa. Ảnh: Văn Long
Ông K' Breo hái dâu, nuôi tằm tại vườn trên diện tích đất chuyển từ đất trồng lúa. Ảnh: Văn Long
"Với giá kén tằm cao như hiện nay thì người dân trồng dâu nuôi tằm cũng phấn khởi. Trong khi đó, trồng cà phê hay trồng lúa thì hiệu quả cũng như lợi nhuận thu về rất thấp. Tôi lấy ví dụ, 1ha cà phê hiện nay trồng chỉ được thu 1 năm, sau khi trừ đủ các chi phí thì cũng chỉ lời được 30-40 triệu đồng. Bởi vì trồng cà phê rất tốn công, giá phân bón rồi thuốc lại rất cao.
Tôi nuôi tằm gối đầu liên tục 1 hộp chỉ cần 1 người hái dâu, chỉ những ngày tằm ăn rỗi thì mất 2 người hái dâu trong 2 ngày. Trung bình, 1 tháng tôi nuôi được 1 hộp tằm, với giá hiện tại sau khi trừ chi phí cũng lời được 10 triệu đồng", anh Tiến chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tiến hái dâu tại khu vườn có diện tích khoảng 3.000m2 của gia đình mình. Ảnh: Văn Long
Anh Nguyễn Văn Tiến hái dâu tại khu vườn có diện tích khoảng 3.000m2 của gia đình mình. Ảnh: Văn Long
Anh Tiến cũng cho biết, cứ nuôi được khoảng 4 lứa tằm là anh sẽ cho quả bồ kết vào than nướng lên tạo khói rồi đóng kín cửa nhà nuôi tằm để khử trùng. Hoặc nếu sau 1 lứa tằm bị bệnh thì anh cũng làm theo cách trên nên hiệu quả khi nuôi tằm rất cao. Mỗi hộp, anh Tiến thu được trung bình khoảng 60kg kén.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm tại xã Tân Văn đang mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa và cà phê. Ảnh: Văn Long
Nghề trồng dâu, nuôi tằm tại xã Tân Văn đang mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa và cà phê. Ảnh: Văn Long
Bà Lương Nữ Hoài Thanh cho biết: "So với cách đây khoảng 5 năm thì diện tích trồng dâu nuôi tằm hiện nay tăng lên rất nhiều. Việc người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm thì mang lại hiệu quả khá cao vì tằm dễ nuôi, mất ít công và giá bán kén tằm được cao hơn. Chính vì vậy, người dân tại các thôn Tân Lợi, Tân Lộc, Tân Thuận đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm khá nhiều".
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm