Đắk Lắk: Thứ cây lá mọc đầy gai, ra trái chín vàng thơm khắp đồi thế mà bán trầy bán trật, đến khổ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được xem là cây trồng chủ lực của các xã vùng sâu huyện Krông Bông (Đắk Lắk) trong những năm gần đây, cây dứa đã trở thành nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ gia đình nơi đây. Tuy nhiên, vụ thu hoạch dứa năm nay ở đây lại khác...
Vụ thu hoạch dứa năm nay, người trồng dứa ở Krông Bông đang chật vật tìm đầu ra trên thị trường cho loại quả này. 
Điệp khúc được mùa mất giá đã khiến nhiều hộ trồng dứa không còn mặn mà với cây dứa, còn người buôn dứa cũng dần bỏ nghề đi buôn các loại nông sản khác, chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng, nhưng chưa phát huy hiệu quả.

Người dân trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho loại quả này
Người dân trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho loại quả này
Ông Nguyễn Công Tân – Phó Chủ tịch xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết: "Cây dứa rất hợp với thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương; cây dứa được trồng ở địa phương này cho quả to và đẹp với trọng lượng khoảng 1-2kg/quả, khi chín có màu vàng óng rất bắt mắt, ngọt thanh, thơm ngon khó ở nơi đâu có được chất lượng dứa như ở đây; năng suất, chất lượng của cây dứa ở Krông Bông đã được kiểm chứng từ nhiều năm trước, nhưng mối lo duy nhất của người dân chính là đầu ra cho sản phẩm".
Vụ dứa năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Đạt, ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, (Đắk Lắk) trồng 4ha, gia đình ông như đang ngồi trên đống lửa bởi đã tới vụ mùa chính mà giá bán đang giảm sâu, thương lái đến thu mua cũng ít.

Quả dứa ở huyện Krông Bông khi chín có màu vàng óng rất đẹp
Quả dứa ở huyện Krông Bông khi chín có màu vàng óng rất đẹp
Ông Đạt cho biết, đầu tư gần 150 triệu đồng tiền mua phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc… để vườn cây đạt năng suất, nhưng giờ dứa khó bán, nguy cơ thua lỗ rất có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Tấn Chiến ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, (Đắk Lắk) cho biết: "gia đình ông vay mượn để đầu tư trồng 3ha dứa, cách đây khoảng nửa tháng thì bán được giá 20.000 – 25.000 đồng/quả, hiện tại bây giờ chỉ còn được 10.000 – 12.000 đồng/quả, thương lái thu mua họ còn nói giá có thể sẽ giảm xuống nữa khi bà con thu hoạch nhiều, ông Chiến nói."
Không riêng gì gia đình ông Đạt, ông Chiến… mà hàng trăm hộ trồng dứa tại các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao, huyện Krông Bông cũng đang lâm vào cảnh khó khăn khi dứa đến kỳ thu hoạch.

Diện tích cây dứa trên địa bàn huyện Krông Bông trên 700ha
Diện tích cây dứa trên địa bàn huyện Krông Bông trên 700ha
Ông Nguyễn Minh Nghiệp – Chủ tịch xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, tình hình hiện nay giá cả của dứa rất thất thường, đầu ra chưa có nên chính quyền địa phương vẫn đang tích cực kêu gọi để giải cứu dứa trong mùa vụ cho bà con, đồng thời đề xuất cấp trên có những phương án để hỗ trợ.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Hồ Đức Hoàng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết: "Cây dứa bắt đầu được trồng ở địa phương từ năm 2002, chủ yếu là giống dứa Cayen, hiện nay toàn huyện hiện có trên 700ha dứa, tập trung chủ yếu ở các xã Cư Pui 50ha, Cư Đrăm 546ha và Yang Mao 113ha…
Người dân vẫn đang hy vọng rằng chính quyền sẽ sớm tìm được đầu ra cho loại quả này
Người dân vẫn đang hy vọng rằng chính quyền sẽ sớm tìm được đầu ra cho loại quả này
Ngành nông nghiệp cũng đã có những phương án và tích cực đi thăm quan, học hỏi mô hình và kết nối ở các địa phương và một số doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cây dứa, nhưng cho đến thời đểm hiện tại thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào ký kết đảm bảo đầu ra cho các hộ dân, huyện cũng đang đau đầu về việc có nên tiếp tục khuyến khích các hộ trồng dứa mở rộng diện tích hay là không, nhưng hiện tại cây dứa vẫn là loại cây chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con ở vùng này, ông Hoàng nói".
Trước tình hình giá cả bấp bênh của cây dứa trên địa bàn và vấn đề khó khăn hiện nay là chưa có cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào có hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua dứa ổn định, lâu dài. Việc tiêu thụ dứa do các thương lái thu mua theo phương thức và giá cả do thương lái tự quyết định, đến thời điểm hiện tại thì người dân vẫn bán hết sản phẩm nhưng không được hài lòng vì giá thấp.

Người dân mong muốn sẽ có các doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo đầu ra và giá thành ổn định
Người dân mong muốn sẽ có các doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo đầu ra và giá thành ổn định
Những năm sắp tới nếu vẫn chưa có cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào có hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua thì mức độ rủi ro trong sản xuất dứa là rất lớn.
Với diện tích trồng dứa lớn trên địa bàn huyện Krông Bông, người dân nơi đây rất mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có phương án hỗ trợ tìm được đầu ra để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo Ngọc Giàu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.