Đắk Lắk: Sầu riêng ra trái chi chít, chính quyền hỗ trợ tối đa để thương lái đến mua bán trái đặc sản này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 cũng là thời điểm người dân ở thủ phủ trồng sầu riêng huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp bước vào thu hoạch trong nỗi âu lo.
Khoảng gần 1 tháng nữa trên địa bàn huyện sẽ vào vụ thu hoạch sầu riêng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dự đoán sẽ có nhiều những khó khăn trong việc tiêu thụ loại quả này.
Trước tình hình đó, UBND huyện Krông Pắk đã có nhiều nỗ lực để tìm lối ra cho quả sầu riêng, một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của người dân địa phương với diện tích được trồng 3.341 ha, sản lượng bình quân năm 2016 – 2020 đạt 25.000 – 35.000 tấn, giá trị doanh thu khoảng 1.250 – 1.650 tỷ đồng/ năm, dự kiến sản lượng sầu riêng năm nay sẽ đạt khoảng 40.000-45.000 tấn.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Ngô Thi Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi đã chủ động gửi văn bản liên hệ các cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ việc tiêu thụ sầu riêng cho người dân.

Trên địa bàn huyện Krông Pắk chủ yếu trồng loại sầu riêng Dona Thái và Ri6 - Ảnh: Ngọc Giàu
Trên địa bàn huyện Krông Pắk chủ yếu trồng loại sầu riêng Dona Thái và Ri6. Ảnh: Ngọc Giàu
Theo  bà Trinh, trên địa bàn huyện chủ yếu trồng loại sầu riêng Dona Thái với mức giá trên thị trường thu mua hiện nay khoảng 42.000đ - 45.000đ/ kg và sầu riêng Ri6 giá dao động khoảng 22.000đ - 35.000đ. Đầu mối thu mua sầu riêng lớn là các thương nhân, ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây để xuất khẩu đi Trung Quốc, nhưng đến hiện tại lượng thương lái đến địa bàn để tìm hiểu, chốt giá thu mua khá ít.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện đã có những kịch bản để ứng phó với những tình huống khó khăn trong việc các thương lái ở các tỉnh thành khác đến địa phương để thu mua sầu riêng và vấn đề vận chuyển đi tiêu thụ.
UBND huyện đã lên kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn trong tình hình dịch Covid-19.

Giá trị doanh thu của loại quả này đạt khoảng 1.250 – 1.650 tỷ đồng/ năm. Ảnh: Ngọc Giàu
Giá trị doanh thu của loại quả này đạt khoảng 1.250 – 1.650 tỷ đồng/ năm. Ảnh: Ngọc Giàu
Theo đó, huyện đã thành lập các tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, thương lái, công nhân, lái xe… đến thu mua, vận chuyển sầu riêng, vừa chấp hành đúng quy định phòng chống dịch.
Tổ này sẽ đến tận nơi thực hiện test nhanh Covid-19 để thực hiện các biện pháp y tế cần thiết và hỗ trợ các thương lái về vấn đề chỗ lưu trú trong thời gian thu mua để đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như tạo điều kiện thuận lợi việc tiêu thụ sầu riêng cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, huyện cũng lên kế hoạch để tổ chức quảng bá, kết nối cung cầu các mặt hàng sầu riêng tại thị trường trong nước và xuất khẩu; liên hệ, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị (Coopmart, VinMart, Bách hóa Xanh, Mega Market Vietnam, ...), các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ trái Sầu riêng đến huyện khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ;

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại để vận chuyển sầu riêng hết sức khó khăn . Ảnh: Ngọc Giàu
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại để vận chuyển sầu riêng hết sức khó khăn . Ảnh: Ngọc Giàu
Hỗ trợ người dân chào bán sản phẩm sầu riêng trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online) như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba, ….
Đồng thời, UBND huyện Krông Pắc cũng đã liên hệ Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk để kêu gọi các hệ thống siêu thị, nhà phân phối đến thu mua sản phẩm sầu riêng của huyện và liên hệ Sở Giao thông vận tải để Sở hướng dẫn, hỗ trợ Doanh nghiệp đăng ký cấp Lôgô cùng với mã nhận diện QR code cho việc tham gia "luồng xanh" để tạo điều kiện cho người, phương tiện vận chuyển sản phẩm sầu riêng đi tiêu thụ trên tinh thần đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
UBND huyện Krông Pắk cũng tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch và xây dựng phương án "04 tại chỗ" trong tổ chức thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng;
Bố trí các các tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng trồng sầu riêng tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện, đồng thời để kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ.
Theo Ngọc Giàu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.