Đắk Lắk: Phát động cuộc thi càphê đặc sản Việt Nam năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 3 năm tổ chức, cuộc thi càphê đặc sản Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu, lượng tiêu thụ càphê đặc sản tăng mạnh.

Ban tổ chức trao giải cho các đơn vị. Ảnh: TTXVN phát
Ban tổ chức trao giải cho các đơn vị. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 22/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ trao giải cuộc thi Càphê đặc sản Việt Nam năm 2021 và phát động cuộc thi năm 2022 theo hình thức trực tuyến.
Thời gian đăng ký cuộc thi Càphê đặc sản Việt Nam năm 2022 từ ngày 15/2-25/3/2022 và dự kiến công bố kết quả, trao giải vào ngày 30/4/2022.
Đối tượng dự thi là tổ chức, cá nhân có trang trại càphê hoặc trực tiếp liên kết, hợp tác với nông dân sản xuất, chế biến càphê đặc sản trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết sau 3 năm tổ chức, cuộc thi đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là về mặt kinh tế. Lượng tiêu thụ càphê đặc sản tăng mạnh với giá tốt mang đến thu nhập khá cho các đơn vị sản xuất.
Mặt khác, các doanh nghiệp đã đa dạng hóa được nguồn hàng, có các lô hàng đủ số lượng, chất lượng ổn định và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, giúp cà phê đặc sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Cuộc thi Càphê đặc sản Việt Nam 2022 có những điểm mới như số lượng giám khảo nhiều hơn, phiên thử nếm tại các điểm được diễn ra đồng thời và phát trực tuyến, thành lập Ban kỹ thuật độc lập hỗ trợ kỹ thuật cho Ban tổ chức.
Ngoài ra, cuộc thi năm 2022 không tổ chức đánh giá tập trung tại một điểm, tập trung đông người mà đánh giá tại những nơi có phòng thí nghiệm và đơn vị thử nếm chuyên nghiệp được ủy quyền của Hiệp hội Càphê thế giới làm việc thử nếm càphê tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất phải tăng tính chuyên nghiệp và tính trung thực của mình thông qua việc tự lấy mẫu, tự niêm phong lô hàng.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 6 giải thưởng cho Cuộc thi Càphê đặc sản Việt Nam năm 2021 cho các đơn vị có sản phẩm đạt trên 80 điểm theo thang điểm cà phê đặc sản quốc tế.
Với dòng sản phẩm càphê Robusta, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (tỉnh Đắk Lắk) đạt vị trí thứ nhất với 83.39 điểm; vị trí thứ 2 thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mori Cà phê (tỉnh Gia Lai) với 82.64 điểm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Phúc Minh (tỉnh Đắk Lắk) đạt vị trí thứ 3 với 82 điểm.
Đối với sản phẩm càphê Arabica, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pun Coffee đạt vị trí thứ nhất với 84.5 điểm (tỉnh Quảng Trị); vị trí thứ 2 là Nhóm càphê đặc sản Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), với 84 điểm; Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Việt Nam (tỉnh Kon Tum) đạt vị trí thứ 3 với 83.93 điểm.
Cuộc thi có 41 đơn vị tham gia đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh Sơn La, Quảng Trị, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Lắk với 74 mẫu càphê dự thi, tăng 34% so với năm 2020; trong đó, có 45 mẫu càphê Robusta và 29 mẫu càphê Arabica.
Vòng loại và vòng chung kết diễn ra từ ngày 20-27/4/2021, Ban giám khảo đã xác định được 48 mẫu đạt tiêu chuẩn càphê đặc sản, gồm 25 mẫu càphê Robusta và 23 mẫu càphê Arabica.
Cùng với sự tăng mạnh về số lượng mẫu càphê đạt tiêu chuẩn đặc sản, sản lượng cà phê đặc sản cũng tăng mạnh, đạt 110 tấn, tăng 85% so với cuộc thi năm 2020.
Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.