Nhiều tháng nay, người dân xã Ia R’vê (huyện Ea Súp, Đak Lak) phải thức trắng đêm xua đuổi không để voi rừng phá hoại hoa màu. Bất chấp nguy hiểm bám đuôi đàn voi để giữ lại “niêu cơm” của gia đình.
Sống cùng với Voi
Sống cùng với Voi
Xã Ia R’vê được thành lập từ năm 2002 theo dự án di dân kinh tế mới của Bộ Quốc phòng. Trong 8 năm đó họ phải sống chung với voi, kí ức vui buồn của họ gắn liền với voi rừng.
Anh Nguyễn Ngọc Luân đang châm lửa ống lố để thụt voi. Ảnh: Duyên Linh |
Mọi người nơi đây vẫn chưa thể quên ngày đầu cả gia đình dìu dắt nhau lên Tây Nguyên lập nghiệp. Không ai có thể nghĩ rằng việc voi về đến tận sân nhà mình và tự nhiên phá hoa màu như chỗ không người. Voi đua nhau kêu khiến cho người lớn và trẻ em sợ đến ngất xỉu, họ đành phải tháo chạy trước sự hung dữ của voi rừng.
Rồi khi voi phá xong hoa màu, cả đàn rút vào trong rừng. Dân làng quay lại canh tác, trồng lúa trồng ngô trên diện tích mình được cấp. Bẵng đi một thời gian, đến khi cây trồng sinh trưởng xanh tốt, voi từ trong rừng lại về “thu hoạch dùm” ăn không hết thì phá, bao nhiêu công sức của người dân lại bị dẫm nát dưới dấu chân của đàn voi.
Từ bấy đến nay, đến hẹn lại lên, cứ độ mùa mưa đến là đàn voi lại xuất hiện, hoa màu của người dân trở thành món ăn khoái khẩu của chúng. Trước đó người dân còn sợ, lâu dần thành quen, họ không sát hại đàn voi mà chọn cách sống chung với chúng mặc cho hoa màu của mình thiệt hại từ bấy đến nay nhiều không giấy mực nào mà kể cho hết.
Đuổi voi khổ hơn đánh giặc
Bà Mai đang gom lại đống mì non bị voi phá hoại để bán. Ảnh: Duyên Linh |
Là câu mà người dân nơi đây dùng để chỉ cách xua đuổi đàn voi một cách thủ công mà không làm ảnh hưởng đến thân thể của con vật mà người dân nơi đây tôn kính gọi bằng “ông”. Họ dùng ống tre dài khoảng 1,5 m, một đầu bịt kín, còn đầu kia để hở, cách đáy khoảng 5 cm họ đục một lỗ để châm lửa (người dân ở đây gọi đó là ống lố). Sau đó cho một ít nước vào rồi tra đất đèn vào châm lửa, lúc này chất khí của đất đèn toát ra bắt lửa vào tạo ra một tiếng nổ lớn. Tiếng nổ này khiến đàn voi sợ hãi chạy rút vào rừng.
Ông Năm kể cho tôi nghe vì sao dân làng này lại dùng cách này để xua đuổi voi mỗi khi chúng kéo nhau về phá hoa màu. Ngày xưa thời chống Mỹ cứu nước, người dân Bến Tre thường bị giặc Mỹ đi càn quét, lúc đó dân làng chưa có vũ khí để chống trả nên họ nghĩ ra cách dùng ống tre này để “thụt” tạo nên âm thanh giống như đại bác khiến địch kinh sợ nghĩ rằng bộ đội của ta đang đóng tại đây và có đầy đủ mọi vũ khí hiện đại nên đành phải tháo chạy. Sau nhiều lần bị voi tấn công bà con đã tìm nhiều cách để không bị voi tấn công nhưng vẫn không được. Trong lúc ngồi uống nước ông Năm mới nhớ lại cách đuổi giặc của bà còn mình ngày xưa. Sau khi thử phương pháp này thấy hiệu quả là đuổi được voi nên từ đấy bà con áp dụng luôn. Mỗi lần tiếng nổ từ ống phát ra, đàn voi cắm đầu chạy không dám quay lại nhìn. Từ đó, ống lố “thụt” voi trở thành bảo bối cầm tay của người dân nơi đây để bảo vệ mùa màng.
Theo chân trưởng thôn Nguyễn Văn Đoàn, chúng tôi vào thăm chòi canh mà các hộ dựng lên để làm nơi trú ngụ để canh voi. Vừa đi, ông vừa nhẩm tính cả thôn có đến 8 cái chòi canh như vậy rải đều trên 250 ha mì. Cứ 3-4 hộ có rẫy gần nhau làm chung một cái chòi canh. Cứ đêm đến mỗi nhà cử một người ra để thức “bắn”. Đang ngồi nói chuyện về voi trên chòi của anh Nguyễn Ngọc Luân thì chuông điện thoại của anh reo lên- “chòi nhà Lương nghe tiếng voi kêu”. Mọi người hốt hoảng, bởi khi nghe tiếng voi kêu là chúng sắp rủ nhau kéo vào rẫy để kiếm thức ăn. Anh cầm vội ống lố lên châm lửa, một tiếng nổ lớn phát ra. Các chòi canh bên cạnh cũng hồi đáp bằng những tiếng nổ, cứ liên hồi đến gần 30 phút mới dừng lại. Anh giải thích- “khi voi vừa kêu lên là phải cho nỗ ngay lập tức chứ để khi voi kéo cả đàn vào rẫy thì coi như hoa màu đều bị chúng dẫm đạp hỏng hết. Mỗi lần voi lọt vào rẫy, người dân ở đây luôn đi theo đằng sau và giữ một khoảng cách an toàn nhất định, chứ nếu voi nổi giận thì chúng sẽ quay lại tấn công".
Đã nghèo voi lại còn tàn phá…
Người dân ở đây họ tôn kính gọi voi bằng ông voi hay ông tượng, điều đó cũng không khỏa lấp được những phiền toái mà voi đã mang lại cho họ.
Cả thôn có 46/103 hộ thuộc diện nghèo nên khoản tiền chi phí để phục vụ đuổi voi đối với mọi người không phải là chuyện nhỏ. Mỗi lán như vậy mỗi đên nếu phải đuổi voi thì tốn 25 ngàn đồng tiền đất đèn, rồi còn tiền xăng xe, điện thoại, trà nước. Ông Nguyễn Văn Hồng Em, trưởng thôn 2 thẩn thờ nói: “ chúng tôi ở đây đã nghèo khổ rồi, giờ lại bị các ông voi về tàn phá nữa thì không biết đến bao lâu nữa chúng tôi mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ được”.
Anh Nguyễn Văn Phụng mệt mỏi kể lại- “đã hơn 3 tháng liền tôi không được chợp mắt vì phải thức canh các ông voi này. Không hiểu sao đợt này các ông lại trú tại đây lâu thế”. Vì phải trắng đêm trên những chòi canh trên rẫy nên ban ngày chỉ có nữ giới lên rẫy còn nam giới thì ngủ bù để tối lại tiếp tục canh voi.
Ông Nguyễn Văn Nói vẫn chưa hết sợ hãi kể lại cho chúng tôi nghe chuyện ông chạm trán với một đàn voi rừng khoảng 10 con. Hôm đó khoảng 7 giờ tối, có người bạn rủ đi uống cà phê nên ông chạy xe từ chòi canh về. mới chạy được khoảng gần 1 km. nhìn qua ánh đèn xe máy ông đột nhiên phát hiện một đàn voi cách mình khoảng 20m đang băng qua đường vào rẫy. Ông cứ đứng lặng người đi như vậy để mặc đàn voi đi qua, khi đã thấy chúng kéo hết vào rẫy mì ông mới vọt hết ga để ra kêu bà con vào phụ xua đuổi.
Ngồi bên đống mì tươi mới nhổ vội, bà Nguyễn Thị Hồng Mai than thở, nhà bà có 1ha rẫy trồng mì nằm sát rừng, vừa rồi bị các ông phá mất toi gần 4 sào mặc dù mì đến tháng 12 này là bắt đầu thu hoạch nhưng đành phải nhổ mì non bán vội. "Biết nhổ mì còn non là kém sản lượng lại bị tư thương ép giá, nhưng biết làm sao được, nếu không nhổ sớm thì bị các “ông” phá sạch"- bà Mai buồn rầu.
Theo báo cáo của xã Ia R’vê, đàn voi rừng khoảng 20 con đang trú ẩn tại địa bàn và thường xuyên di chuyển qua lại tại các thôn 2, 4, 10, và 12. Từ đầu năm đến nay đã có 32,6 ha hoa màu trên địa bàn bị voi phá hoại ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Toản, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp cho biết: “ Trước tình trạng voi rừng về phá hoa màu của nhân dân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Tỉnh để tìm phương án giải quyết dứt điểm nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là dùng các biện pháp lâu nay dân vẫn dùng để xua đuổi voi, và thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân. Nói cho cùng là chấp nhận sống chung với voi, chờ khi nào dự án bảo tồn voi được triển khai. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ 80 triệu đồng cho những người dân thiệt hại mua giống phục vụ sản xuất
Duyên Linh