Đak Đoa: Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tiêu hợp vệ sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn kinh phí sự nghiệp, năm 2019, huyện Đak Đoa, Gia Lai có 287 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Kết quả này đã góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt, cải thiện môi trường sống và đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Gia đình chị Benh (làng Wet, xã Glar) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2015, gia đình chị Benh được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Glar hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chỉ đủ xây nhà, không làm được nhà vệ sinh. “Mới đây, gia đình mình được hỗ trợ 600 ngàn đồng, vợ chồng dự kiến sẽ làm nhà vệ sinh cho sạch sẽ”-chị Benh cho biết.
 Chị Benh (làng Wet, xã Glar) dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: H.T
Chị Benh (làng Wet, xã Glar) dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: H.T
Cũng như gia đình chị Benh, trước đây, gia đình ông Yik (làng Ia Đất, xã Hà Bầu) cũng không có nhà vệ sinh. Sau khi được hỗ trợ 600 ngàn đồng, ông Yik quyết định làm nhà vệ sinh. Ông Yik chia sẻ: “Từ xưa đến nay, bà con dân làng không có khái niệm làm nhà vệ sinh. Sau khi cán bộ của làng, xã đến vận động, tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí, mình thấy rõ lợi ích nên vận động thêm họ hàng giúp đỡ, dự kiến chi phí xây nhà tiêu hợp vệ sinh khoảng 3,5 triệu đồng”.
Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-cho hay: Việc vận động xây nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điều rất cần thiết. Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đây còn là nhiệm vụ quan trọng nhằm xóa phần thiếu hụt dịch vụ xã hội trong các tiêu chí nghèo đa chiều. “Sau khi tham mưu đề xuất kinh phí hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, chúng tôi đã vận động bà con chọn vị trí xây dựng hợp lý, thuận lợi, cao ráo. Khi đã có nhà vệ sinh rồi thì phải thường xuyên dọn dẹp xung quanh để đảm bảo sức khỏe và sử dụng lâu dài”-ông Thế nói.
Mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Đak Đoa chiếm đến 80%. Do đó, việc hỗ trợ 600 ngàn đồng/hộ để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 287 hộ nghèo trên địa bàn huyện là nhằm góp phần hoàn thiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Nhưn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Qua khảo sát thực tế, số tiền 172 triệu đồng từ nguồn kinh phí của huyện đã được bố trí cho 287 hộ nghèo để hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Hiện các hộ này đang tích cực bỏ thêm ngày công và kinh phí xây dựng để kịp hoàn thành tiến độ vào cuối tháng 9”.
Với kết quả đó, đến nay, Đak Đoa là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Được biết, toàn tỉnh hiện còn 29.100 hộ nghèo còn thiếu hụt điều kiện sống cơ bản này.
 HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.