Đà Lạt: Nhiều di sản kiến trúc bị bỏ hoang phế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TP Đà Lạt có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 ngôi được xây dựng trước năm 1975. Thế nhưng 30% trong số đó bị hư hỏng nặng, nhiều biệt thự cổ bị bỏ hoang
TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) sở hữu quần thể hệ thống kiến trúc dinh thự, biệt thự, công trình công cộng được kiến tạo, xây dựng cách đây hàng trăm năm.
Thế nhưng, nhiều biệt thự cổ tại đây đang trong tình trạng bị bỏ hoang phế, xuống cấp, không những lãng phí, làm mất mỹ quan đô thị mà còn phát sinh tệ nạn xã hội.
Danh sách biệt thự bỏ hoang nối dài
Theo thống kê, TP Đà Lạt có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 biệt thự được xây dựng trước năm 1975. Những biệt thự này đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc của Pháp, do những kiến trúc sư tài hoa như E.Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet... Chính quyền TP Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với nhiều căn ở trung tâm các trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Quang Trung, Nguyễn Du, Hùng Vương, Trần Bình Trọng... nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch lại rất hạn hữu, dẫn đến những ngôi biệt thự cổ này đang bị bỏ hoang.
Đa số biệt thự cổ cho các hộ dân thuê ở, doanh nghiệp thuê để kinh doanh cũng đều bị biến tướng, hoang phế hoặc bị cơi nới tạo nên những hình ảnh nhếch nhác. Gần 50 biệt thự dùng làm trụ sở của các cơ quan nhưng sau khi trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động từ tháng 4-2014, những cơ quan nhà nước đóng tại các biệt thự công được chuyển vào làm việc tập trung, danh sách biệt thự bỏ hoang tiếp tục nối dài.
Điển hình, biệt thự cổ số 1, số 7, số 9 trên đường Cô Giang, (phường 9, TP Đà Lạt) được xây dựng với kiến trúc 2 tầng gần như bị bỏ hoang, các hạng mục như tường, mái ngói, cửa, cầu thang bộ nứt nẻ, bong tróc..., người dân xung quanh tận dụng để chăn nuôi gia súc. Hay căn biệt thự cổ nổi tiếng số 13 đường Trần Hưng Đạo bị cơi nới để hàng chục hộ dân ở... Đặc biệt, các vùng ven TP Đà Lạt như đèo Prenn, Vạn Thành, Xuân Thọ..., nhiều biệt thự cổ bị bỏ hoang, bị đồn thổi là "căn nhà ma", nhiều người tìm đến khấn vái khiến tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp.
Tình trạng nhiều biệt thự cổ không được sử dụng không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người dân khi những căn nhà này đã bị xuống cấp, mỗi trận mưa gió, lốc xoáy, nhiều cánh cửa va đập rơi xuống đất, bay ra đường.

Nhiều căn biệt thự cổ ở TP Đà Lạt bị bỏ hoang phế, xuống cấp
Nhiều căn biệt thự cổ ở TP Đà Lạt bị bỏ hoang phế, xuống cấp
Xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản
Từ khi hình thành năm 1893, Đà Lạt được xây dựng với các tiêu chí về kiến trúc, giao thông và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đô thị du lịch, nghỉ dưỡng. Trải qua 127 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt có rất nhiều bản quy hoạch đô thị với đặc trưng "TP trong rừng, rừng trong TP", "TP ngàn hoa", "TP tình yêu", hay "tiểu Paris"... và được công nhận là "TP Festival Hoa Việt Nam", "TP bền vững về môi trường ASEAN"; khí hậu trong lành, cảnh quan tươi đẹp, con người hiền hòa...
Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050" đặt mục tiêu "xây dựng, phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Trong đó, định hướng không gian TP với các nhiệm vụ "bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên". Đặc biệt nhấn mạnh đến trục di sản kiến trúc, chuỗi mặt nước và các tuyến cảnh quan.
Tháng 12-2019, trong chuỗi sự kiện Festival Hoa tại TP Đà Lạt đã diễn ra tọa đàm "Hướng đến xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị di sản". Tại tọa đàm, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nêu rõ trong quá trình xây dựng và phát triển, Đà Lạt không chỉ riêng của Lâm Đồng mà còn của cả nước và thế giới. Do vậy, những tác động khẽ khàng đến Đà Lạt sẽ có những phản hồi rất mạnh mẽ, quyết liệt. Địa phương đã đón nhận rất nhiều ý kiến quan tâm, ủng hộ xây dựng Đà Lạt trên nền bảo tồn và phát triển; theo đó, Đà Lạt sẽ là đô thị di sản.
Trao đổi về việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc của Đà Lạt, một đại diện Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết do nhiều năm không phát huy được hết giá trị của những biệt thự công, việc sử dụng bị hạn chế nên mới xảy ra tình trạng xuống cấp. Sở Xây dựng đang sửa đổi bổ sung đề án sử dụng các căn biệt thự cổ để việc quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. 
Qua khảo sát đánh giá thực trạng kiến trúc Đà Lạt của cơ quan chức năng, chỉ hơn 20% số biệt thự còn nguyên trạng hoặc được tu sửa; 30% hư hỏng nặng; 50% bị cơi nới, cải tạo, thay đổi cấu trúc diện mạo.
Bài và ảnh: ĐÌNH THI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.