Cựu chiến binh nỗ lực thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ cần cù, chịu khó, cựu chiến binh Lê Văn Khẹt (dân tộc Tày, trú tại thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ việc trồng các loại cây công nghiệp kết hợp với chăn nuôi dê. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập bình quân 120-140 triệu đồng.

Ông Lê Văn Khẹt từng là một người lính vận tải trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Năm 1984, sau khi xuất ngũ trở về quê sinh sống cùng gia đình, chứng kiến cảnh bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cái nghèo, cái đói cứ luẩn quẩn đeo bám, ông một mình rời quê hương Cao Bằng lặn lội vào huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) lập nghiệp.

 

Cựu chiến binh Lê Văn Khẹt chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: L.H.H
Cựu chiến binh Lê Văn Khẹt chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: L.H.H

Những ngày tháng mưu sinh trên đất khách quê người, ông phải ngược xuôi làm thuê làm mướn đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn trăm bề. Năm 1995, ông lấy vợ khi “gia tài” vẫn chỉ có đôi bàn tay trắng. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông khai hoang 2 ha đất rồi dồn hết số tiền làm thuê làm mướn dành dụm được để trồng hơn 2.000 gốc cà phê.

Năm 2007, dù cuộc sống đã ổn định nhưng vợ chồng ông Khẹt lại quyết định bán cả nhà lẫn vườn cà phê kinh doanh ở Lâm Đồng để chuyển tới xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê). Tại đây, vợ chồng ông mua 2 ha đất rồi đầu tư trồng hơn 600 gốc cao su và 500 gốc cà phê. Hiện nay, vườn cao su của gia đình ông đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu được khoảng 30 triệu đồng. Vườn cà phê thì mỗi năm cho thu khoảng 60 triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Văn Khẹt cho biết: “Khi từ Lâm Đồng sang Ia Hlốp, vợ chồng tôi dồn hết số tiền có trong tay để mua đất. Sau đó, ngày nào 2 vợ chồng cũng đi làm cỏ, làm cành cà phê, hái hồ tiêu… thuê kiếm tiền để trang trải cuộc sống và mua phân bón cho vườn cao su, cà phê. Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định”.

Bên cạnh việc đầu tư cho vườn cao su, cà phê, vợ chồng ông Lê Văn Khẹt còn phát triển chăn nuôi dê để tăng thêm thu nhập. Từ số dê sinh sản lúc đầu chỉ có 3 con, qua quá trình xuất bán, đàn dê của gia đình ông hiện vẫn còn 35 con (15 con dê sinh sản và 20 con dê nuôi thịt). Mỗi năm, gia đình ông thu nhập 40-50 triệu đồng từ tiền bán dê.

Ông Nguyễn Đình Thủy-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Hlốp, cho biết: “Ông Lê Văn Khẹt là một người luôn chịu khó học hỏi trong việc phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông đã có sự cải thiện và từng bước ổn định. Trong cuộc sống hàng ngày ở khu dân cư, ông luôn hòa đồng với mọi người và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội và địa phương”.

Lê Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.