Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Hiệu quả và triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được hiệu quả nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín thương hiệu hàng Việt.

Đẩy mạnh phát triển thị trường

Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương đã đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt. Theo đó, Sở tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” thông qua các kênh tuyên truyền; thiết lập 4 điểm bán hàng Việt và điểm giới thiệu những sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; phối hợp mở các lớp hỗ trợ đào tạo tư vấn kỹ năng trong kinh doanh cho các doanh nghiệp. Hàng năm, Sở còn giao cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức khoảng 3-4 phiên chợ về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kết nối, hỗ trợ và mời các đơn vị sản xuất trong tỉnh tham gia các hội nghị kết nối cung cầu và hội chợ triển lãm thương mại do các tỉnh, thành phố tổ chức.

Bên cạnh đó, Sở xác nhận cho các công ty tổ chức sự kiện tổ chức nhiều hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhân các sự kiện được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là tổ chức thành công Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Ngoài ra, hàng năm, Sở còn phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung hoạt động xúc tiến thương mại gắn với các sự kiện du lịch của tỉnh để quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng đến với khách tham quan và kích cầu du lịch.

 Các sản phẩm OCOP trưng bày tại sự kiện “Sở hữu trí tuệ-Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Lê Đại
Các sản phẩm OCOP trưng bày tại sự kiện “Sở hữu trí tuệ-Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Lê Đại


Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi về nhận thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng đối với hàng Việt, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với đó, những năm qua, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng thương mại đã góp phần làm phong phú, đa dạng phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện nay, mạng lưới chợ được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 96 chợ (1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 69 chợ hạng III và 12 chợ tạm; 2 chợ đã xây dựng xong nhưng chưa phân hạng chợ). Toàn tỉnh có 18 siêu thị (9 siêu thị chuyên doanh, 9 siêu thị tổng hợp), 170 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo ngành hàng. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi là loại hình kinh doanh hiện đại, có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đặc biệt là hàng Việt, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Thực hiện Kế hoạch số 1179/KH-UBND ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh về phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, ngoài 4 điểm bán hàng Việt đã hình thành, theo kế hoạch, mỗi năm sẽ mở thêm 2 điểm ở các huyện. Riêng năm 2022, Sở đang phối hợp để mở 3 điểm tại các huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Pưh và xây dựng 1 mô hình điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng tại huyện Krông Pa.

“Bên cạnh kết quả đạt được, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn một số hạn chế như: hoạt động thông tin tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu; công tác rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt còn chậm; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng”-bà Nguyệt cho biết thêm.

Phấn đấu trên 85% hàng Việt tại các kênh phân phối

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Hiện nay, tại Siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm, Co.op Mart đã áp dụng các chính sách mua hàng, ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày, hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới, tổ chức chương trình khuyến mãi hàng Việt. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Siêu thị còn tích cực tham gia nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Qua đó, tạo cầu nối thông tin từ phía người tiêu dùng đến các doanh nghiệp sản xuất để doanh nghiệp có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

 Người dân lựa chọn mua sắm hàng Việt tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Người dân lựa chọn mua sắm hàng Việt tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy


Không chỉ tại các siêu thị, cơ cấu hàng Việt cũng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trên kệ hàng cơ sở kinh doanh ở nông thôn. Ông Nguyễn Quốc Việt-Chủ cửa hàng tạp hóa Liễu Đồng (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Cửa hàng đi vào hoạt động đã 10 năm với mô hình kinh doanh hiện đại, bố trí kệ hàng tự chọn từ thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng. Qua khảo sát cho thấy, nếu những năm trước, người dân thường có tiêu chí chọn hàng giá rẻ, ít quan tâm chất lượng thì hiện nay xu hướng tiêu dùng đã được nâng cao. Người dân đã chú trọng chất lượng, mẫu mã thông qua các thương hiệu lớn được tin dùng trong cả nước. Các nhà sản xuất trong nước cũng ngày càng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh so với nhiều sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài. Cửa hàng của tôi nhập về khoảng 95% là hàng sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, nhiều mặt hàng là hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương: Ngày 26-4-2022, Sở đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-SCT về việc thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, nội dung kế hoạch tập trung xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt” trên các phương tiện truyền thông; tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt”; tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững; tổ chức chương trình, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường; tổ chức các phiên chợ, chương trình hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình đào tạo, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Trong Kế hoạch số 1179/KH-UBND ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, đảm bảo nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng về chất lượng của hàng Việt Nam cũng như khả năng của doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp tham gia các điểm bán hàng Việt và những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP; đảm bảo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầut; nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ trong thời đại 4.0.

Theo đó, phấn đấu giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 85% tại các kênh phân phối ở trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni và trên 80% tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong tỉnh chiếm 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tỉnh; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”…
 

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm