Nhiều hộ dân xã Hòa Phú (Chư Pah) nhẹ dạ bỏ tiền đầu tư vào Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hoàng Phát Tài (Công ty Hoàng Phát Tài) để nhận cú lừa đau. Và dự án treo Khu Du lịch sinh thái Hồ Bến Tuyết, thị xã An Khê mà công ty này vừa bị tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã lộ ra bản chất bội tín.
Xin đầu tư rồi… chuồn!
Khu Du lịch sinh thái Hồ Bến Tuyết vốn là một danh mục được tỉnh kêu gọi đầu tư từ hơn 2 năm trước. Công ty Hoàng Phát Tài, có trụ sở tại làng Bới, xã Hòa Phú (Chư Pah) đã có dự án xin đầu tư vào đây. Cụ thể, công ty này đã “khua” lên trên diện tích 30 ha là sẽ đầu tư gần 32 tỉ đồng để xây dựng nhiều hạng mục như nhà nghỉ, công viên, khu vui chơi giải trí và nhiều công trình phụ trợ khác.
Từ khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh, công ty này chưa bỏ ra một đồng tiền nào để tiến hành thực hiện dự án. Ông Lê Thanh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xa An Khê cho biết: “Giám đốc công ty này đã đến nhờ chúng tôi giúp đỡ thống kê những hộ dân trong diện đền bù để công ty tiến hành đền bù, thực hiện dự án. Chúng tôi đã cho cán bộ đi điều tra, thống kê nhưng khi đề cập đến chuyện đền bù thì ông Nguyễn Tấn Hiệp- Giám đốc Công ty Hoàng Phát Tài nói không có tiền. Vậy là công của chúng tôi thành… công quả!”.
![]() |
Mặt bằng quy hoạch dự án Khu du lịch Bến Tuyết (thị xã An Khê). Ảnh: Đức Thụy |
Bội tín với cả dân quê
Trong đợt kiểm tra hoạt động doanh nghiệp trong tỉnh của đoàn liên ngành năm 2008, Công ty Hoàng Phát Tài đã bị phát hiện là không hoạt động ở địa chỉ đã đăng ký (làng Bới, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah). Và công ty này theo đó nằm trong diện ngừng hoạt động. Nhưng trước đó, ông Nguyễn Tấn Hiệp đã có “cách riêng” để huy động vốn của nhiều người dân và cho đến nay vẫn chưa hoàn trả.
Ông Bùi Ngọc Hùng trú tại làng Bới, xã Hòa Phú là một trong nhiều nạn nhân của công ty này bức xúc: “Khoảng tháng 3-2007, ông Nguyễn Tấn Hiệp có lân la làm quen với chúng tôi và đặt vấn đền huy động vốn trồng rừng và hứa sẽ có ưu đãi cho chúng tôi về mặt lợi nhuận. Để mọi người tin vào dự án của công ty mình, ông Hiệp trình ra văn bản liên kết trồng rừng, trồng cao su giữa công ty của ông và một lâm trường trên địa bàn tỉnh. Tin lời, tôi, ông Trần Văn Yên và ông Nguyễn Văn Điểm đều ở địa chỉ trên đã bỏ tiền đầu tư vào công ty với định suất 1,5 triệu đồng/ha. Cụ thể, ông Yên đầu tư 30 triệu đồng, ông Điểm 15 triệu đồng, và tôi 30 triệu đồng. Chúng tôi được ông Hiệp bổ nhiệm vào một số chức vụ chủ chốt trong công ty”. Nhưng điều lạ là ba người này đều không phải làm việc gì ngoài việc thỉnh thoảng đi nhậu với ông Hiệp, coi một lô đất mà ông này nói là của công ty đang… đầu tư. Lợi nhuận chưa được cắc nào nhưng thiệt hại thì đã nhãn tiền. Từ hơn nửa năm nay, ba hộ dân này không thể liên lạc với ông Hiệp (đã đi khỏi địa bàn xã Hòa Phú – N.V) qua điện thoại di động. Và cũng theo ông Hùng, hiện có nhiều hộ dân nữa cũng đang lâm cảnh dở khóc dở cười khi trót đưa tiền cho ông Hiệp.
Với những chiêu đơn giản, trong một thời gian ngắn, nhiều gia đình đã mắc quả lừa đau khi đầu tư tiền vào Công ty Hoàng Phát Tài. Ngoài ra, chế độ hậu kiểm của các cấp chủ quản cũng vô tình tạo kẻ hở để công ty này tự tung tự tác. Và khi màn kịch đã hạ thì các hộ dân đã nước mắt lưng tròng bởi số tiền họ đầu tư vào công ty phần lớn phải vay mượn.
Trần Hiếu