Cơ quan Cảnh sát Điều tra làm nhiệm vụ thấu tình, đạt lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, ông Phan Văn Trừ-bố của Phan Văn Anh-bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra vào ngày 25-8-2010 có đơn phản ánh: Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an huyện Chư Pah (Gia Lai) cố tình gây khó dễ, kéo dài thời gian xử lý, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án… Trước thông tin khiếu nại này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Thượng tá Dương Văn Tuấn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pah, Phụ trách cơ sở và tiếp cận hồ sơ vụ án để tìm hiểu vấn đề.
Chiếc điện thoại “gây sự”
Phan Văn Anh.
Phan Văn Anh.
Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 25-8-2010, sau khi uống rượu xong, Trần Ngọc Tấn (SN 1991, trú thôn 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) cùng Võ Tấn Thành (SN 1991, trú thôn 1, thị trấn Phú Hòa) chở nhau trên một xe máy đến khu vực trước cổng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (thị trấn Chư Pah). Cùng lúc này có một tốp học sinh đang đứng trước cổng trường, trong đó có Phan Văn Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi). Thấy Anh, Thành bảo Tấn quay xe lại rồi nhặt gậy ở ven đường đánh Anh. Không thể chống đỡ, Anh cúi xuống thì bị Thành dùng mũ bảo hiểm đập liên tiếp nhiều cái vào đầu và người.
Mũ bảo hiểm vỡ, Thành vứt mũ ven đường, sau đó điều khiển xe bỏ đi. Ít phút sau, Thành quay lại nói Anh không được xuống quán internet ở thị trấn Phú Hòa để chơi nữa. Thấy Anh bị đánh chảy máu ở đầu nên một số học sinh đã đưa đi cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pah, sau đó gia đình đưa Phan Văn Anh đi điều trị tại Bệnh viện 211. Trong quá trình điều trị, bệnh viện xác định tình trạng chấn thương của Anh như sau: Vùng thái dương đỉnh sưng nề, bầm tím, máu tụ dưới da đầu kích thước 10 cmx15 cm; chụp X quang cho ảnh: Vỡ xương thái dương đỉnh dài 12 cm, vùng đỉnh xương lún vào trong, đường kính vùng rãnh lún 6 cm, vỡ thành 2 mảnh…
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do trước ngày 25-8-2010, Phan Văn Anh có đến chơi tại một quán internet ở thị trấn Phú Hòa. Khi đó, một người bạn đã mượn điện thoại di động của Anh để điện cho người thân sau đó trả lại cho Anh. Anh để điện thoại trên bàn thì bị Thành lấy dùng. Lúc này sợ bị đánh nên khi về nhà, Anh lấy điện thoại gia đình điện vào số máy của mình mà Thành đang giữ để xin lại. Bố, mẹ Thành biết được việc đó nên đã la rầy Thành. Bị la rầy, Thành đã đập máy điện thoại của Anh, rủ Tấn đi tìm và dạy cho Anh bài học thì xảy ra sự việc trên.
CQĐT xử lý thấu tình, đạt lý
Nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Pah đã nhanh chóng cử cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường thu thập chứng cứ, thông tin trong chiều 25-8 để điều tra làm rõ và tiến hành truy tìm, vận động đối tượng đầu thú. Ngày 26-8, Tấn ra đầu thú; ngày 27-8, Thành ra đầu thú, Cơ quan Điều tra (CQĐT) đã tạm giữ hình sự với hai đối tượng trên. Xác định đây là vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh học đường nên CQĐT đã trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp và tiến hành ngay thủ tục tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thành và Tấn, đồng thời ra lệnh tạm giam ngay sau đó.
Sau khi điều trị, Anh ra viện vào ngày 20-9, đến ngày 4-10 Anh có đơn đề nghị giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe. Trong ngày 4-10, CQĐT Công an huyện Chư Pah đã ra quyết định trưng cầu giám định và đưa Phan Văn Anh đi giám định tại Tổ chức Giám định Pháp y (GĐPY) tỉnh Gia Lai. Đến ngày 22-10, CQĐT nhận được kết quả giám định của Hội đồng Giám định Pháp y tỉnh Gia Lai số 466/BV-GĐ-PY đề ngày 18-10-2010, theo đó Phan Văn Anh bị tổn hại 27% sức khỏe. Tuy nhiên, ông Phan Văn Trừ không thống nhất với kết quả này nên tiếp tục làm đơn yêu cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của Anh lên tuyến trên.
Ngày 6-11, CQĐT Công an huyện Chư Pah đã ra quyết định trưng cầu giám định lại tại Viện GĐPY Quốc gia-Bộ phận phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng ông Trừ lại không đồng ý nơi này và tiếp tục làm đơn yêu cầu giám định tại Viện GĐPY của Bộ Công an hoặc Quân đội (108). Ngày 29-11, CQĐT Công an huyện Chư Pah ra quyết định trưng cầu giám định lại cho Phan Văn Anh tại Phân viện Khoa học Hình sự-Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh và lúc này ông Trừ mới đồng ý và ngày 2-12 CQĐT tổ chức đưa Phan Văn Anh đi giám định lại. Đến ngày 27-12, CQĐT nhận kết quả: Phan Văn Anh bị tổn hại sức khỏe 32,38%.
Đến nay, CQĐT Công an huyện Chư Pah đang hoàn thành các thủ tục tố tụng cuối cùng để chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chư Pah phê chuẩn, truy tố các bị can ra Tòa án Nhân dân huyện để xét xử.
Khi nhận đơn yêu cầu giám định lại, CQĐT Công an huyện Chư Pah giải thích cho gia đình bị hại biết: Chi phí cho việc giám định lại, trước hết người nhà phải tự bỏ ra, sau đó yêu cầu bị can, bị cáo bồi thường trong quá trình truy tố, xét xử. Đó là quy định pháp luật chứ không phải là sự đặt chuyện để gây cản trở cho người dân.
Sau khi nhận được thông báo của ông Phan Văn Trừ về tổng chi phí điều trị, chữa chạy cho Phan Văn Anh hết hơn 70 triệu đồng, CQĐT Công an huyện Chư Pah cũng đã thông báo cho gia đình của các bị can biết để tiến hành bồi thường và gia đình bị can cũng đã bồi thường trước 18 triệu đồng; mua trả lại chiếc điện thoại cùng chủng loại cho Phan Văn Anh.
Như vậy CQĐT Công an huyện Chư Pah đã thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình theo quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, tố tụng nên việc ông Phan Văn Trừ cho rằng: Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Pah cố tình gây khó dễ, kéo dài thời gian xử lý, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án… là không có cơ sở.
Lê Duy- Gia Bảo

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.