Có một “Đền Hùng” ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người nọ nối người kia, cộng đồng những người Phú Thọ cứ lớn dần, từ một vài hộ đến nay có khoảng 100 hộ với 400 khẩu, chủ yếu là người dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

“Năm 2003, tôi cùng gia đình rời quê hương Tứ Xã, huyện Lâm Thao lên đường vào Tây Nguyên lập nghiệp. Những năm tháng lăn lộn với mảnh đất đầy nắng, đầy gió với muôn vàn khó khăn, khoảng cách địa lý, thời gian càng hun đúc nỗi nhớ về quê hương. Khi đời sống bắt đầu ổn định, cộng đồng những người dân Đất Tổ ngày một đông hơn, chúng tôi cứ đau đáu nỗi niềm muốn xây dựng một đền thờ Vua Hùng để làm nơi giáo dục con cháu về nguồn cội. Phải đến 14 năm sau ngày đặt chân đến mảnh đất này tôi và những người người đồng hương mới hoàn thành được tâm nguyện”-ông Chử Văn Chúc, thôn 6, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bùi ngùi nhớ lại.

Quê hương thứ hai

Những năm 1999, 2000 những người dân đầu tiên của xã Tứ Xã lên đường đến mảnh đất Tây Nguyên với ước mơ khai hoang, lập nghiệp. Theo sự động viên của những người họ hàng, ông Chúc cùng với vợ và các con cũng muốn thoát nghèo từ con đường đi xa để lập nghiệp. Những ngày tháng đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất xa lạ, với những con người xa lạ gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn vất vả. Trước đây khi còn ở Lâm Thao, kinh tế gia đình chủ yếu làm nông nghiệp, vì thế ông cũng như các gia đình khác bắt đầu ước mơ làm kinh tế cũng từ nông nghiệp. Mua đất rồi nghiên cứu các loại cây trồng theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Chủ yếu thời điểm này các gia đình trồng khoai lang và các loại rau màu khác. Sau khi có chút vốn tích lũy và nắm bắt được kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc các loại cây bản địa gia đình ông dần dần chuyển sang trồng hồ tiêu và cafe. Với bản tính hay lam, hay làm, chịu thương chịu khó cùng với quyết tâm vươn lên làm giàu, đời sống của gia đình ông Chúc và những người “đi làm kinh tế” dần ổn định, nhiều hộ khá giả. Người nọ nối người kia, cộng đồng những người Phú Thọ cứ lớn dần, từ một vài hộ đến nay có khoảng 100 hộ với 400 khẩu, chủ yếu là người dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Ông Chúc chia sẻ: “Chúng tôi cũng thành lập Hội đồng hương để sinh hoạt, rồi tổ chức các hoạt động vào ngày lễ, Tết, thăm hỏi động viên nhau những khi ốm đau, bệnh tật, giúp đỡ nhau những khi có công việc. Hơn chục năm xa quê, nhiều người cũng đau đáu nhớ về quê cha Đất Tổ. Ngay từ những buổi đầu lập nghiệp chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng một đền thờ Vua Hùng, nhưng khi đó cuộc sống khó khăn chưa làm được. Đến khi đời sống ổn định, Hội đồng hương đưa ra bàn bạc ý tưởng xây dựng đền thờ được mọi người ủng hộ nhiệt tình”. Từ họp bàn đến khi triển khai, mọi công việc đều rất thuận lợi, từ quyết định mua đất đến lên ý tưởng thiết kế, đóng góp tiền, ngày công lao động đều được bà con thực hiện nhanh chóng.

Hơn 20 năm rời quê hương vào Đắk Búk So sinh sống, lập nghiệp, những người dân Phú Thọ đã xem đây như quê hương thứ hai, nên đều mong muốn được đóng góp tiền của, công sức xây dựng đền thờ Vua Hùng để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc, tổ tiên. Sau hai tháng thi công, công trình đền thờ Vua Hùng hoàn thành đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017. Ngôi đền được xây dựng trên đồi cao và thiết kế theo phong cách kiến trúc cung đình cổ kính với diện tích khoảng 250m2. Sau 7 năm hiện nay công trình đền thờ nằm trên khuôn viên rộng 2000m2 gồm đền thờ, sân bê tông, cổng, hàng rào bao quanh và hệ thống cây bóng mát. Là một trong những hộ dân đã tự nguyện hiến đất, ông Triệu Mạnh Được cảm thấy rất tự hào khi được góp phần để hiện thực ước mơ của những người con xa quê: “Bà con quê Phú Thọ đều xác định, dù ở nơi nào thì tất cả người dân trên mọi miền đất nước đều là con cháu Vua Hùng, luôn hướng về quê cha Đất Tổ, cội nguồn của dân tộc”.

Ông Chủ Văn Chúc lau dọn ban thờ chuẩn bị cho chương trình dâng hương vào ngày 10/3 âm lịch

Ông Chủ Văn Chúc lau dọn ban thờ chuẩn bị cho chương trình dâng hương vào ngày 10/3 âm lịch

Nhân lên lòng tự hào, đoàn kết toàn dân

Theo ông Chúc, lúc đầu, ý tưởng xây dựng đền thờ Vua Hùng chỉ là suy nghĩ riêng của những người dân Phú Thọ xa quê vào Đắk Búk So lập nghiệp. Sau một thời gian thực hiện, ý tưởng xây dựng đền thờ Vua Hùng nhanh chóng được lan rộng ra toàn vùng được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ. Ngôi đền nằm trên ngọn đồi cao, bên cạnh tỉnh lộ 6 nên thuận tiện cho nhiều người dân về đây dâng hương. Từ ngày đền thờ được khánh thành, hàng tháng vào ngày mùng 1, ngày rằm và các ngày lễ, Tết, nhân dân đều đến thắp hương, tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội. Đây cũng trở thành nơi hội họp, sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, những buồn vui trong cuộc sống không chỉ của cộng đồng người dân Phú Thọ mà còn của bà con trong thôn, trong xã. Trong những ngày gặp mặt, gia đình nào có khó khăn thì hội bàn bạc để giúp đỡ và động viên, khen thưởng khuyến khích các cháu học sinh giỏi... Từ đó, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của những người con được sinh ra trên quê hương Đất Tổ. Thông qua hoạt động văn hóa ý nghĩa này, tình cảm giữa mọi người trong xã được thắt chặt hơn, đoàn kết hơn.

Đồng chí Ngô Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết: "Việc xây dựng Đền thờ Vua Hùng ở xã Đắk Búk So thể hiện lòng tôn kính của người dân Phú Thọ xa quê cũng như người dân Việt Nam đối với tổ tiên. Điều này đã nhân lên lòng tự hào, đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Hàng năm, vào những ngày lễ, Tết, nhất là vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày gặp mặt không chỉ trong nội bộ Hội đồng hương Phú Thọ mà còn của tất cả bà con sinh sống trong và ngoài vùng. Chính quyền và nhân dân huyện Tuy Đức, xã Đắk Búk So đã duy trì tổ chức dâng hương tưởng nhớ công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước vào đúng ngày 10/3 âm lịch hàng năm”.

Càng gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không khí chuẩn bị càng rộn ràng náo nhiệt. Anh Chử Anh Chương cho biết: “Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, bà con chuẩn bị lễ vật dâng kính tổ tiên, ngoài bánh chưng, bánh giầy, bánh tét còn có thêm đặc sản của quê hương Tuy Đức. Cùng với phần lễ, phần hội cũng được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết trong cộng đồng. Dù bận rộn như thế nào mọi người cũng đều cố gắng thu xếp công việc để tham gia các hoạt động trong dịp Giỗ Tổ, kính cáo anh linh các bậc tiền nhân về những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua”.

Người dân tham gia thi đấu bóng chuyền hơi trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Người dân tham gia thi đấu bóng chuyền hơi trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngôi đền được xây dựng nên từ sự đồng lòng, từ tinh thần đoàn kết của những người con xa quê. Với họ hình bóng quê hương luôn hiện hữu, Đất Tổ cội nguồn luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm cũng như truyền thống yêu thương, đùm bọc, sẻ chia. Lớp con cháu sau này, dù được sinh ra trên mảnh đất Tây Nguyên nhưng luôn được dạy dỗ, giáo dục về nguồn cội, về tổ tiên của mình trong những lần hội họp tại đền thờ Vua Hùng.

Có thể bạn quan tâm