Cơ hội rèn giũa kỹ năng kết nối khởi nghiệp cho người trẻ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội nghị tập huấn “Kỹ năng kết nối khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp cùng Tỉnh Đoàn tổ chức mới đây đã cung cấp kiến thức hữu ích và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho người trẻ tại Gia Lai.

 Các bạn trẻ trao đổi về kỹ năng kết nối khởi nghiệp. Ảnh: Trần Dung
Các bạn trẻ trao đổi về kỹ năng kết nối khởi nghiệp. Ảnh: Trần Dung

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho biết: “Phong trào khởi nghiệp ở Gia Lai đang phát triển khá tốt. Để tạo cơ sở khoa học cũng như thực tiễn và tạo tiền đề để phong trào khởi nghiệp phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, chúng tôi đã kết nối để tổ chức hội nghị tập huấn với chủ đề “Kỹ năng kết nối khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Chúng tôi đã chọn mời nhóm Sáng tạo trẻ của tỉnh Bến Tre-một nhóm có rất nhiều dự án khởi nghiệp thành công để chia sẻ những kiến thức hữu ích cũng như tiếp thêm cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên Gia Lai”.

Kết nối khởi nghiệp là huy động những kỹ năng cần thiết để thực hiện quá trình tiếp cận nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo. Khi nói đến kết nối khởi nghiệp là muốn nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong việc áp dụng khoa học công nghệ, làm chủ tri thức, làm chủ bản thân, chủ động tạo ra những dự án khởi nghiệp bền vững. Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày những vấn đề cốt lõi như: phương pháp hỗ trợ, khuyến khích thực hành kỹ năng kết nối; kỹ năng giải quyết các tình huống khi kết nối, huy động nguồn lực tài trợ, hợp tác thực hiện dự án sáng tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; kỹ năng thuyết trình khi kết nối xây dựng ý tưởng, thực hiện dự án sáng tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; hướng dẫn và thực hành soạn thảo kế hoạch, dự án kết nối sáng tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; kỹ năng sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp…

Gần 100 thanh niên tham gia hội nghị đã được tiếp cận các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; được hướng dẫn kiến thức để nắm bắt các chương trình, dự án tiềm năng kết nối. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nên anh Bùi Đình Long (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) luôn nung nấu ý định làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ 4 con dê sinh sản được bố mẹ hỗ trợ năm 2019, đến nay, anh Long đã phát triển ổn định đàn dê lên 60 con. Sau khi trừ chi phí, anh thu về 60-70 triệu đồng/năm.

Anh Long cho biết: “Bản thân tôi vừa mới bắt đầu khởi nghiệp nên còn gặp khó khăn. Ban đầu khi thực hiện dự án, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tiêu thụ và góp phần nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi của địa phương. Tuy nhiên, sau khi nghe các chuyên gia chia sẻ, tôi nghĩ mình cần bổ sung và điều chỉnh chiến lược phát triển. Theo tôi, kỹ năng lập kế hoạch vô cùng quan trọng, giúp ta xác định được “đường đi nước bước”. Một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng và được cập nhật thường xuyên sẽ giúp tôi có những bước đi cụ thể, đánh giá được chất lượng các công việc của mình”.

 Anh Bùi Đình Long (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê thuần chủng. Ảnh: Trần Dung
Anh Bùi Đình Long (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê thuần chủng. Ảnh: Trần Dung


Ấp ủ dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng trà Kombucha đa vị, chị Lê Thị Thu Hồng (huyện Chư Pưh) vui mừng khi được tham gia hội nghị tập huấn. “Mình tới đây với mong muốn có thể kết nối được với các chuyên gia và các bạn trẻ cùng ý tưởng để hỗ trợ, đồng hành cùng mình trong chặng đường phía trước. Sau khi tham gia hội nghị và nhận được sự tư vấn, phúc đáp của các chuyên gia, mình đã tháo gỡ được vướng mắc của bản thân, đồng thời hiểu rằng cần phải tạo ra được sản phẩm mới, có sự khác biệt thì mới có thể thu hút các nguồn vốn hỗ trợ”-chị Hồng chia sẻ.

Ngoài cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, hội nghị còn truyền cảm hứng, động lực cho những người trẻ đam mê khởi nghiệp. Chị Châu Hàn Yên (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cho rằng: “Những điều thú vị và mới mẻ tại hội nghị đã giúp tôi kiên định hơn với ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi dúi của mình. Thời gian đến, tôi sẽ cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi có hiệu quả, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, đồng thời có những đổi mới sáng tạo trên hành trình khởi nghiệp”.

Anh Phạm Văn Luân-Chủ nhiệm nhóm Sáng tạo trẻ tỉnh Bến Tre-nhận định: “Tôi đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ ở Gia Lai. Nhiều ý tưởng, dự án tiềm năng được các bạn thể hiện rất rõ. Đến với hội nghị tập huấn này, có trên 30 ý tưởng khởi nghiệp được nung nấu và chia sẻ, mời gọi sự quan tâm, góp ý của chuyên gia. Các bạn rất tự tin và năng động đưa ra ý tưởng khởi nghiệp tâm huyết của mình bởi các bạn đã có một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm phong phú. Tôi cho rằng đây chính là những tiền đề vững chắc cho phong trào khởi nghiệp của người trẻ ở Gia Lai”.

 

 TRẦN DUNG
 

 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.