Cơ cấu lại thị trường: Biện pháp nào giúp du lịch Việt tự cứu mình?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tập trung nâng cao chất lượng, cơ cấu lại thị trường khách du lịch, thúc đẩy chuyển đổi số và “cùng nắm tay nhau để hành động” là những giải pháp mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất nhằm đưa ngành du lịch Việt vượt qua những khó khăn trước mắt, từng bước phục hồi và phát triển trong, sau dịch COVID-19.

Du lịch Việt Nam “gồng mình” phục hồi trước nhiều khó khăn. Ảnh: Hà Hà
Du lịch Việt Nam “gồng mình” phục hồi trước nhiều khó khăn. Ảnh: Hà Hà
Khó chồng khó
Giai đoạn năm 2015 - 2019 là thời điểm vàng của du lịch Việt khi chứng kiến mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ và tạo dựng được nhiều con số kỷ lục. Trong báo cáo tại Hội nghị Du lịch toàn quốc năm 2020 gần đây, ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá, năm 2019 khách quốc tế đến Việt Nam đạt đỉnh 18 triệu lượt, nâng mức tăng trưởng trung bình lên 22,7%/năm, khách du lịch nội địa cũng không kém cạnh với tốc độ tăng trưởng 10,5%/năm, đạt 85 triệu lượt với doanh thu lên tới 32 tỉ USD, đóng góp trực tiếp 9,3% vào GDP cả nước.
Nhưng đầu năm 2020, dịch bùng phát, diễn biến phức tạp đã khiến đà tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế khựng lại, và du lịch tổn thất nặng nề nhất. Tại “Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch” nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch Quốc tế VITM 2020, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, cả trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, du lịch và hàng không là 2 ngành phải chịu ảnh hưởng và bị thiệt hại nặng nề nhất. Dự kiến năm nay, khách quốc tế giảm 80%, khách nội địa giảm 50%, 60% lao động mất việc làm, 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, tổng thiệt hại toàn ngành du lịch sẽ lên đến 23 tỉ USD.
Nhằm khôi phục phần nào cho ngành du lịch, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và các cơ quan, hiệp hội du lịch đã cùng nhau thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, xúc tiến quảng bá du lịch địa phương. Tuy nhiên, chưa kịp vớt vát được bao nhiêu thì lại một lần nữa lao đao do ảnh hưởng từ cơn bão, lũ lịch sử ở khu vực miền Trung. Khắc phục ảnh hưởng từ bão lũ xong, du lịch Việt lại đối mặt với ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại TPHCM sau 88 ngày không ghi nhận.
Ông Ngô Xuân Pha - Tổng GĐ Khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu đánh giá “cả năm nay gần như chưa làm được gì”. Doanh nghiệp lữ hành mong chờ dịp nghỉ lễ cuối năm để đón khách, không ngờ dịch bệnh lại xuất hiện ở TPHCM, khó lại chồng thêm khó. Còn ông Phan Đình Huê - GĐ Cty Du lịch VietCircle cho hay, năm 2020 là một năm vất vả về mọi mặt, du lịch đóng băng và sẽ rất khó có thể sớm phục hồi.
Tập trung tái cơ cấu thị trường
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, hiện trong cơ cấu thị trường khách du lịch, khách quốc tế chiếm 45% nhưng tổng thu chiếm tới 55%, trong khi khách trong nước chiếm 55% nhưng tổng thu lại chỉ được 45%.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì chỉ ra rằng, có khoảng 67% lượng khách tới từ thị trường Đông Bắc Á, ASEAN chiếm khoảng 11%, Châu Âu chiếm khoảng 12%, đa phần khách vẫn di chuyển bằng đường hàng không (80%) và chi tiêu nhiều cho việc nghỉ dưỡng... Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng TCDL cho rằng, dịch bệnh là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Trong bối cảnh dịchvẫn còn diễn biến phức tạp, du khách quốc tế không thể đến Việt Nam, khách nội địa sẽ chính là “cứu cánh”. Do đó, việc xem xét lại cơ cấu ngành du lịch, xác định đối tượng khách là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng TCDL nhấn mạnh, việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch là vô cùng cần thiết, không những giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường mà còn làm đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro; tăng trưởng ổn định khách nội địa, phân bố cân đối các vùng miền.
Nhằm giúp ngành du lịch vượt khó khăn trước mắt, từng bước khôi phục và phát triển, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị toàn ngành du lịch tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đầu tiên là cơ cấu lại thị trường khách du lịch, cũng như phát triển du lịch nội địa do dịch bệnh COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng khu khách quốc tế; Tiếp đó, không những hiểu sâu, hiểu kỹ nhu cầu của khách du lịch nội địa mà còn cần xây dựng những sản phẩm, dịch vụ phù hợp để nâng cao chất lượng phục vụ ở tất cả các phân khúc, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch.
Đặc biệt, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong du lịch, các cơ quan quản lý, lãnh đạo Nhà nước cần có những chương trình, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi này. Ngoài ra, cần tiếp tục đặt tiêu chí du lịch an toàn lên hàng đầu. Thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, du lịch nội địa đã hồi phục mạnh mẽ, song dịch bùng phát trở lại đã làm ngưng trệ hoạt động. Chính vì vậy, an toàn trong du lịch chính là yếu tố then chốt để duy trì hoạt động du lịch, làm điểm tựa cho phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tới.
Đà Nẵng xem xét miễn phí 100% vé tham quan trong năm 2021
Ở kỳ họp HĐND thành phố cuối năm, UBND thành phố Đà Nẵng đã dự thảo tờ trình để xem xét ban hành Nghị quyết quy định miễn, giảm thu phí tham quan danh thắng, công trình văn hóa, bảo tàng... Đây cũng là hoạt động nhằm mong muốn sớm khôi phục ngành du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vượt qua khó khăn. Dự kiến, những địa điểm được miễn phí tham quan 100% trong 6 tháng đầu năm 2021 (từ 1.1 - 30.6.2021) sẽ là Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Tiếp đó, một số địa điểm trên sẽ được giảm 50% phí tham quan trong 6 tháng cuối năm (từ 1.7 - 31.12.2021).
NGUYỄN HỒNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm