Chưa đến kỳ nghỉ lễ, khách sạn tại TP.Đồng Hới đã đua nhau hét giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi đặt phòng cho người thân lưu trú tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình) vào dịp lễ 30.4 - 1.5 sắp tới, người viết đã bất ngờ khi phát hiện giá phòng đã 'nhảy múa' tứ tung…

Giá phòng tăng gấp đôi

Một ngày đầu tháng 4, PV Thanh Niên nhận được điện thoại của người thân "cầu cứu" vì họ không thể đặt phòng nghỉ tại nhiều khách sạn trên địa bàn TP.Đồng Hới, nên trực tiếp khảo sát.

Quả nhiên, dù còn 20 ngày nữa mới tới lễ nhưng nhiều khách sạn (từ 3 sao trở lên) ở TP.Đồng Hới đã bắt đầu kín chỗ. Khách sạn R. (4 sao, nằm trên đường Trương Pháp), khách sạn T.Đ (3 sao, trên đường Đồng Hải, P.Hải Thành)… đã không còn một phòng trống trong dịp lễ.

Lễ tân khách sạn R. cho biết, giá phòng dịp lễ tăng nhẹ từ 700.000 đồng/đêm lên 1 triệu đồng/đêm đối với phòng đôi cơ bản. Trong khi đó, lễ tân khách sạn T.Đ cho biết trung bình dịp lễ giá phòng sẽ tăng lên tầm 20%. "Có phòng ở bên em giá tới 3,5 triệu đồng/đêm vào dịp lễ này", lễ tân khách sạn T.Đ cho biết.

Các khách sạn dọc đường Trương Pháp (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) hoặc đã kín phòng hoặc được hô giá rất cao trong dịp 30.4 - 1.5
Các khách sạn dọc đường Trương Pháp (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) hoặc đã kín phòng hoặc được hô giá rất cao trong dịp 30.4 - 1.5

Chiều 8.4, PV Thanh Niên "gõ cửa" lễ tân khách sạn R. (trên đường Bạch Đằng, P.Nam Lý, TP.Đồng Hới) và được biết cơ sở lưu trú này hiện vẫn còn phòng cho dịp lễ 30.4 - 1.5. Tuy nhiên, mức giá mà lễ tân cung cấp cao hơn nhiều so với ngày thường. Cụ thể, phòng đôi có giá 1,8 triệu đồng/đêm, phụ thu thêm 450.000 đồng/người. Nhân viên lễ tân cho biết giá ngày thường tại đây khoảng 1,4 triệu đồng/đêm…

Nhưng "choáng" hơn phải kể đến khách sạn A.L 2 (ở đường Trương Pháp, P.Hải Thành). Đây là khách sạn gắn 3 sao, nằm trên đường ra biển Nhật Lệ. Khi chúng tôi vào đặt phòng, nhân viên lễ tân cho biết vẫn còn phòng dịp lễ và viết giá phòng vào 1 tờ giấy A4: phòng đôi 4 người ở 2 triệu đồng/đêm, phòng đôi 2 người ở 1,5 triệu đồng/đêm, bao gồm ăn sáng.

Khi PV thắc mắc về mức giá cao, nhân viên lễ tân giải thích: "Bên em giá này sẽ được niêm yết vào những ngày lễ". Đáng nói, bảng giá niêm yết của khách sạn A.L 2 vào thời điểm ngày 9.4 dao động từ 790.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng/đêm cho tất cả các hạng phòng. Như vậy, mức giá cho dịp lễ 30.4 - 1.5 sẽ tăng gấp đôi ngày thường.

Mảnh giấy ghi mức giá phòng dịp 30.4 - 1.5 mà lễ tân khách sạn A.L 2 báo giá cho PV (ảnh cắt từ clip)
Mảnh giấy ghi mức giá phòng dịp 30.4 - 1.5 mà lễ tân khách sạn A.L 2 báo giá cho PV (ảnh cắt từ clip)

Trao đổi với PV Thanh Niên, giám đốc một khách sạn 3 sao ở ven biển Nhật Lệ nói ông không bất ngờ về việc giá phòng ở địa phương "nhảy múa" trong dịp lễ, vì hằng năm vẫn xảy ra. Lợi dụng việc lượng khách đổ về tăng cao, nhiều cơ sở lưu trú tại địa phương đã làm ăn theo kiểu ăn xổi, hét giá, chặt chém.

"Việc tăng giá vô tội vạ không đi cùng với chất lượng phục vụ vừa ảnh hưởng đến môi trường du lịch của TP.Đồng Hới, Quảng Bình nói chung vì tạo nên những trải nghiệm không mấy vui của du khách, đồng thời cũng ảnh hưởng đến những đơn vị làm ăn tử tế", vị này nói.

Bảng giá niêm yết khách sạn A.L 2 hôm 9.4
Bảng giá niêm yết khách sạn A.L 2 hôm 9.4

Thỏa thuận với khách hay tăng giá vô tội vạ?

Thông tin từ Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL Quảng Bình) cho biết tính đến ngày 10.4, nhiều khách sạn 3 sao trở lên ở địa bàn TP.Đồng Hới đã gần kín phòng dịp lễ.

Một lãnh đạo của Phòng Quản lý du lịch giải thích, tính thời vụ trong du lịch đã ảnh hưởng đến giá cả lưu trú ở từng thời điểm khác nhau. "Các chủ cơ sở lưu trú có những giai đoạn kích cầu khác nhau. Vào mùa thấp điểm họ hạ giá phòng, vào mùa cao điểm sẽ tăng lên để bù lỗ. Tuy nhiên việc tăng, hạ giá đều phải có niêm yết, thỏa thuận từ đầu với khách lưu trú, tránh tình trạng tăng giá vô tội vạ, chặt chém", vị này nói.

Cũng theo vị này, việc đưa ra mức giá phòng vào các thời điểm là quyền của chủ cơ sở lưu trú, vận động theo cơ chế thị trường, "thuận mua vừa bán" giữa họ và khách. Cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp mà chỉ kiểm tra, xử phạt trong trường hợp chủ cơ sở lưu trú bán hàng không đúng giá niêm yết, không thỏa thuận với khách hàng từ trước. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận việc tăng giá tùy tiện và quá cao sẽ ảnh hưởng chung đến môi trường du lịch địa phương...

Ngành chức năng khuyến khích các chủ khách sạn niêm yết giá ở mức hợp lý để tạo môi trường tốt đẹp cho du lịch địa phương
Ngành chức năng khuyến khích các chủ khách sạn niêm yết giá ở mức hợp lý để tạo môi trường tốt đẹp cho du lịch địa phương

Ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình thông tin: Trước thềm dịp lễ, sở đã gửi văn bản đến các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch về cung cách phục vụ du khách chuẩn mực. "Trước dịp 30.4, chúng tôi sẽ gặp mặt các đơn vị lưu trú, lữ hành, dịch vụ ăn uống để quán triệt thêm một lần nữa", ông Hà nói. Sau đó, nếu doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, bán dịch vụ cao hơn giá niêm yết, gây phiền hà… thì sẽ xử lý theo quy định.

Theo ông Hà, dù cơ quan quản lý không quy định cụ thể về giá phòng, nhưng việc tăng giá (kể cả có thỏa thuận trước) gấp đôi ngày thường để ép khách khi "khan phòng" là cách kinh doanh đáng lên án.

"Tôi vẫn chưa nghe báo cáo về việc giá phòng có thể tăng gấp đôi, nhưng cũng không loại trừ khả năng đó xảy ra. Nếu chủ cơ sở lưu trú làm như vậy, chắc chắn sẽ bị dư luận phản ứng và khách sạn đó sẽ không trụ nổi lâu dài", ông Hà nhận định.

Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm