Quảng Ninh: Tạo sự khác biệt, phát huy tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du lịch tại Bái Tử Long có thể kết hợp các hành trình khám phá đảo hoang sơ, mang đến trải nghiệm phong phú như ngủ đêm trên các đảo, kết hợp cắm trại, ngắm sao, đốt lửa trại trên bãi biển...

Sự kiện tỉnh Quảng Ninh công bố, khai trương các hành trình du lịch trên vịnh Bái Tử Long vào cuối tháng Ba mới đây là khởi đầu cho chủ trương mở rộng không gian du lịch biển, đảo, giảm áp lực cho Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

quangninh.jpg
Cảng tàu khách Ao Tiên, phục vụ các hành trình tham quan du lịch trên vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Từ lâu nay, vịnh Hạ Long đã là điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, đặt ra nhiều thách thức về sự quá tải và thiếu sự khác biệt trong trải nghiệm của du khách.

Trong bối cảnh đó, việc khai thác du lịch tại vịnh Bái Tử Long theo hướng kết hợp dịch vụ tàu biển với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm trên các đảo là một hướng đi mới, tạo sự khác biệt, phát huy tiềm năng sẵn có của khu vực này.

Vịnh Bái Tử Long nằm trong vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, có hơn 300 hòn đảo đá vôi và sa phiến, có hệ sinh thái phong phú, cảnh quan hùng vỹ, hoang sơ, chưa bị tác động nhiều như vịnh Hạ Long; trong đó có nhiều đảo đất, hang động kỳ vỹ, bãi biển đẹp, rừng nguyên sinh.

Đặc biệt, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN thứ 38 trong khu vực; vườn rộng hơn 15.783 ha, với hệ sinh thái phong phú và hơn 2.400 loài sinh vật, trong đó 106 loài quý hiếm, là nền tảng lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Việt Dũng chia sẻ vịnh Bái Tử Long có kết nối với các điểm đến hấp dẫn như Cô Tô, Cái Chiên, Trà Cổ… tạo thành mạng lưới du lịch liên hoàn.

Du lịch vịnh Hạ Long đã trở thành một thương hiệu toàn cầu, nổi bật là du thuyền kết hợp với tham quan hang động, đã được khai thác mạnh mẽ.

Vì vậy, để tạo sự khác biệt và cạnh tranh hiệu quả, vịnh Bái Tử Long cần hướng đến một mô hình du lịch hoàn toàn mới, nhấn mạnh vào tính trải nghiệm, phiêu lưu, sinh thái và bền vững.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Hội Lữ hành Thành phố Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Hội Lữ hành Thành phố Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Nguyên Giám đốc Sở Du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng nên định vị vịnh Bái Tử Long là điểm đến dành cho những du khách yêu thích khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm và trải nghiệm sinh thái nguyên sơ, đồng thời tập trung khai thác theo mô hình: Du thuyền-khám phá-phiêu lưu-sinh thái-thể thao biển.

Cùng với đó, thay vì chỉ tham quan trên tàu như tại vịnh Hạ Long, du lịch tại vịnh Bái Tử Long có thể kết hợp các hành trình khám phá đảo hoang sơ, mang đến trải nghiệm phong phú hơn như: Ngủ đêm trên các đảo, kết hợp cắm trại, ngắm sao, đốt lửa trại trên bãi biển...

Ông Phạm Ngọc Thủy gợi ý các vách đá tự nhiên ven biển là địa điểm lý tưởng để phát triển môn thể thao leo núi đá, đi bộ đường dài... dựa vào việc khai thác địa hình rừng núi tại đảo Cái Bầu, đảo Ba Mùn, Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Ngoài ra, vịnh Bái Tử Long còn là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động đua thuyền buồm, lướt ván diều, lướt sóng, lặn biển... dựa vào việc khai thác các rạn san hô và sinh vật biển hấp dẫn; chèo thuyền kayak ở các vịnh nhỏ, vùng biển kín gió quanh các đảo; đạp xe địa hình trên các đảo lớn Quan Lạn, Ngọc Vừng với cung đường ven biển thơ mộng; khám phá hang động chưa khai thác thương mại như hang Soi Nhụ, hang Phất Cờ…

Theo Trưởng phòng Kinh doanh Vietfoot Travel Nguyễn Hoài Nam, để nâng tầm du lịch vịnh Bái Tử Long, cần đảm bảo việc phát triển đi đôi với bảo tồn, ngăn ngừa rác thải ra vịnh.

Song hành với đó, các doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm và gắn với đời sống của người dân, để người dân trở thành mắt xích trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch như: trải nghiệm câu cá, cùng người dân nuôi thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng số để xây dựng hành trình, bản đồ điểm đến giúp du khách thuận tiện tra cứu thông tin.

Các công ty lữ hành chia sẻ để tạo sự khác biệt hoàn toàn so với Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cần có một chiến lược truyền thông bài bản để xây dựng hình ảnh "Thiên đường hoang sơ-phiêu lưu-sinh thái-thể thao biển;" cần hợp tác với các travel blogger, KOLs (những người có tầm ảnh hưởng xã hội) quốc tế để quảng bá các trải nghiệm mới lạ; tạo điểm nhấn trên bản đồ du lịch thế giới bằng cách đăng ký các giải thưởng du lịch sinh thái quốc tế.

Quảng Ninh cần tăng cường quảng bá du lịch vịnh Bái Tử Long như một điểm đến khác biệt với vịnh Hạ Long; kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch xanh, phát triển bền vững; phát triển du lịch theo mùa để kéo dài thời gian lưu trú của du khách; tổ chức sự kiện du lịch như lễ hội du thuyền-thuyền buồm quốc tế trên vịnh Bái Tử Long, Festival du lịch sinh thái, hội chợ ẩm thực biển, triển lãm văn hóa làng chài, biểu diễn nghệ thuật dân gian…

Rút kinh nghiệm từ vịnh Hạ Long, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các nhà quản lý nên hạn chế phát triển đội tàu du lịch ồ ạt ở vịnh Bái Tử Long, nên tập trung vào chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư tàu du lịch chạy bằng năng lượng sạch, thân thiện với hệ sinh thái biển.

Hội nghị Phát triển du lịch trên vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Hội nghị Phát triển du lịch trên vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, tạo cơ hội cho nhiều gia đình lên lịch vui chơi. Đặc biệt, tour nội địa có xu hướng dịch chuyển ngược, khi lượng khách đổ về TPHCM khá đông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.