Lễ hội "Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến hẹn lại lên, Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025” diễn ra giữa tháng 4 này, trong đó lễ khai mạc tổ chức vào tối 11/4.

Trong khuôn khổ lễ hội, hàng loạt hoạt động, sự kiện sẽ góp phần phác họa nét đặc trưng về mảnh đất, văn hóa và con người Tam Kỳ.

1lehoi.jpg
Du khách tham quan tại Lễ hội "Tam Kỳ - Mùa hoa sưa" năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Điểm du lịch “Làng sinh thái Hương Trà”

Khai mở lần đầu tiên vào năm 2017, “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” được xem là một lễ hội văn hóa - du lịch - thể thao đặc sắc và riêng có của vùng đất ngã ba sông, đã trở nên quen thuộc với nhiều người vào mỗi tháng 3 khi hoa sưa nở vàng khắp Tam Kỳ.

Không gian diễn ra lễ hội Làng sinh thái Hương Trà - nơi có hàng sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi chạy dọc sông Tam Kỳ, đến mùa hoa nở dát vàng khắp lối đi đẹp như một bức tranh.

Thông qua khoảng 20 hoạt động trải dài trong thời gian gần một tuần lễ vào thời điểm đặc biệt của mùa hoa sưa, lễ hội thu hút khá đông người dân khắp nơi trong tỉnh và cả nước đến tham quan, du lịch trải nghiệm, hòa mình với không gian lễ hội xanh mát, đầy sắc màu thiên nhiên của Vườn Cừa.

2lehoi.jpg
Làng sinh thái Hương Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách không chỉ vào mùa lễ hội. Ảnh: Xuân Phú

Cây sưa (còn có tên Giáng Hương Ấn) giờ có mặt ở hầu khắp địa bàn Tam Kỳ và nhiều nơi của xứ Quảng, song Làng sinh thái Hương Trà là nơi duy nhất sở hữu quần thể sưa cổ thụ hiếm có với tuổi đời trung bình hơn 100 năm, trong đó có 12 cây ghi nhận có độ tuổi hơn 200 năm, được nhân dân Hương Trà qua các thế hệ trồng, chăm sóc và phát triển đến tận ngày nay.

Điều đặc biệt, đúng vào dịp Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2024”, có 9 cây sưa tuổi đời lâu năm nhất tại đây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam. Năm nay, tin vui lại đến khi Làng sinh thái Hương Trà được Sở VH-TT&DL quyết định công nhận là điểm du lịch.

Theo kế hoạch, trong khuôn khổ Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025”, trong đêm khai mạc lễ hội, TP.Tam Kỳ sẽ công bố quyết định công nhận Làng sinh thái Hương Trà là điểm du lịch. Đây là cũng là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái làng Hương Trà.

Vốn là vùng đất của ấp Hương Trà có khoảng từ đầu thế kỷ 16, rồi làng Hương Trà của tân lập xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, khoảng năm Cảnh Hưng 27 (năm 1766), làng Hương Trà nằm ngay ngã ba sông ở phía Đông, được ôm ấp bởi các con sông Tam Kỳ - Kỳ Phú nên đất đai màu mỡ, ruộng vườn xanh tốt.

Trong những năm kháng chiến, vùng đất Hương Trà có phong trào cách mạng lớn mạnh và là nơi đóng căn cứ hoạt động của đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Hương Trà gắn liền với sự hình thành, phát triển của xã Tam Kỳ đến phủ Tam Kỳ xưa và TP.Tam Kỳ ngày nay.

Hương Trà sở hữu những nét đặc trưng của ngôi làng Việt, có con đường làng men theo dòng sông, có cây đa, bến nước, sân đình… đậm chất thơ.

Đậm đà bản sắc

Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” năm nay được thành phố tổ chức với quy mô lớn nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất và người Tam Kỳ, thông qua một số hoạt động thiết thực để kích cầu phát triển du lịch.

3lehoi.jpg
Trình diễn nghề truyền thống rèn Hồng Lư tại Hội làng Hương Trà. Ảnh: Xuân Phú

Các hoạt động tổ chức đảm bảo tạo sự liên kết và phát huy đồng bộ các địa điểm du lịch, di tích trên địa bàn thành phố như địa đạo Kỳ Anh, bãi Sậy sông Đầm... Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của thành phố nói chung và Làng du lịch sinh thái Hương Trà nói riêng, trở thành điểm đến trong địa chỉ du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Vẫn không gian chính quen thuộc của lễ hội Làng sinh thái Hương Trà, với chủ đề “Rực rỡ sắc hoa vàng”, “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025” sẽ bày biện những “món ăn” khó cưỡng với du khách khi đến thưởng ngoạn.

Ông Võ Thanh Cung - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và truyền thông TP.Tam Kỳ cho biết, năm nay chương trình lễ hội sẽ tiếp tục các hoạt động truyền thống thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm nhiều mùa lễ hội qua. bao gồm: ngày hội duyên dáng áo dài; biểu diễn viết thư pháp và tặng chữ; hội thi mỹ thuật thiếu nhi thành phố; biểu diễn nghệ thuật âm nhạc đường phố, nghệ thuật hô hát bài chòi và dân vũ học đường.

Đáng chú ý, lần đầu được đưa vào chương trình lễ hội cuộc thi “Ấn tượng Hương Trà” vẽ tranh trên 2.025 chiếc nón lá để thiết kế sắp xếp trưng bày tại cồn Chùa nhằm phục vụ du khách; cùng với đó là lễ hội hoa đăng “Lung linh Hương Trà”.

Ngoài ra, một số hoạt động thể thao truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như đua thuyền truyền thống TP.Tam Kỳ mở rộng; giao lưu các câu lạc bộ cờ tướng trong và ngoài địa bàn thành phố.

4lehoi.jpg
Đua thuyền truyền thống cũng là một lễ hội không thể thiếu trong khuôn khổ Lễ hội "Tam Kỳ - Mùa hoa sưa". Ảnh: Xuân Phú

Ông Hồ Minh Sơn - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương cho biết, địa phương sẽ tổ chức một số hoạt động nhằm tạo sự đa dạng cho Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025”, góp phần thúc đẩy du lịch của thành phố nói chung và quảng bá hình ảnh Làng sinh thái Hương Trà nói riêng.

Trong đó, điểm nhấn là nghi lễ tế xuân và Hội làng Hương Trà tổ chức tại đình làng Hương Trà - Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Được phục dựng và tổ chức vài năm nay, đây là nghi lễ nhằm khơi dậy niềm tự hào, thể hiện sự tôn kính với các bậc tiền nhân đã có công khai nghiệp làng Hương Trà; qua đó, từng bước nâng tầm lễ hội, đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Phần hội làng Hương Trà bao gồm một số hoạt động truyền thống, trò chơi dân gian, tạo sân chơi sôi nổi cho người dân địa phương và phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm như ngày chạy Olympic “Khám phá Hương Trà”, trình diễn các nghề truyền thống làm bánh tét, bánh chưng, bánh tráng, bánh xèo, rèn Hồng Lư, đắp lân Tứ Bàn.

Ngoài ra, phường Hòa Hương còn tổ chức cuộc thi “Hương Trà xanh - thân thiện, mến khách” nhằm khuyến khích sự hưởng ứng của người dân, nhất là các hộ gia đình trên tuyến đường Hương Trà và Trần Can trang trí cổng nhà xanh - sạch - đẹp, nhà vệ sinh thân thiện; dọn vệ sinh môi trường, trang trí các địa điểm tham quan như đình làng Hương Trà, mộ Giày.

Đồng thời vận động các hộ dân tham gia hoạt động phục vụ ẩm thực, giải khát bằng các món ăn, thức uống dân dã, hàng nông sản của địa phương mang hương vị làng quê; hình thành các ki-ốt bán hàng lưu niệm.

Những điểm nhấn của lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025”

Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025” diễn ra trong tháng 4 với gần 20 sự kiện, hoạt động. Trong các ngày chính của lễ hội đồng loạt diễn ra sự kiện đáng chú ý như khai mạc Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025”, lễ công bố quyết định điểm du lịch “Làng sinh thái Hương Trà”, Hội làng Hương Trà, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao.

Các sự kiện, hoạt động cụ thể bao gồm:

1. Hội thi “Ấn tượng Hương Trà”; “Hương Trà xanh - thân thiện, mến khách”.

2. Hoạt động trưng bày, triển lãm mỹ thuật thiếu nhi tại Vườn Cừa.

3. Chương trình nghệ thuật và khai mạc Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2025”; công bố quyết định điểm du lịch “Làng sinh thái Hương Trà”.

4. Ngày hội duyên dáng áo dài Việt và vũ điệu Hương Trà.

5. Hoạt động biểu diễn viết thư pháp và tặng chữ.

6. Biểu diễn nghệ thuật âm nhạc đường phố, nghệ thuật hô hát bài chòi và dân vũ học đường.

7. Hội thi mỹ thuật thiếu nhi Tam Kỳ.

8. Hội làng Hương Trà và các hoạt động thể thao tại đình làng Hương Trà và sân vận động phường Hòa Hương.

9. Thi đấu cờ tướng tại đình làng Hương Trà.

10. Giải chạy “Khám phá Hương Trà” với cung đường thuộc phường Hòa Hương.

11. Giải đua thuyền nam, nữ truyền thống Tam Kỳ mở rộng với sự tham gia của các thuyền đua đến từ các xã, phường của thành phố và các địa phương.

12. Lễ hội hoa đăng “Lung linh Hương Trà” trên sông Tam Kỳ.

13. Trưng bày sinh vật cảnh tại đình làng Hương Trà.

14. Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, sản phẩm nông nghiệp TP.Tam Kỳ.

15. Trình diễn nghề truyền thống và hoạt động ẩm thực với các món dân dã tại địa phương.

Theo Trương Ngọc Ánh (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch Việt Nam vượt qua Singapore

Du lịch Việt Nam vượt qua Singapore

Nhiều trang tin thế giới vừa đồng loạt đánh giá Việt Nam đã vượt qua Singapore để trở thành điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất, hấp dẫn hàng đầu ở Đông Nam Á nhờ chính sách thị thực hấp dẫn, liên tục mở rộng các đường bay thẳng và ngày càng có nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng.

Đi đâu, chơi gì 3 ngày nghỉ dịp giỗ Tổ Hùng Vương?

Đi đâu, chơi gì 3 ngày nghỉ dịp giỗ Tổ Hùng Vương?

Từ những chuyến khám phá thành phố sôi động và nghỉ dưỡng tại các bãi biển thư giãn, cho đến trải nghiệm văn hóa và du ngoạn vùng quê yên bình, du khách Việt đang tích cực tìm kiếm các điểm đến để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, từ ngày 8-10/3 âm lịch (tức từ ngày 5-7/4 dương lịch).