Chuyện về cô bé mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã gần 7 năm nay, ngày nào bé Văn Thanh Ngân (7 tuổi-tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê) cũng cùng bà nội rong ruổi khắp các con hẻm trong thị trấn với gánh bánh bèo nhỏ. Dáng bà gầy guộc dắt theo đứa cháu gái mồ côi dường như đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Ngày Ngân tròn 8 tháng tuổi, ba mất. 20 tháng tuổi mẹ em lại ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông. Ngân lớn lên trong vòng tay bà nội trong căn nhà nhỏ cũ kỹ. Bà nội Ngân nay đã sáu mươi tuổi, nuôi cháu bằng nghề bán bánh bèo dạo. Căn nhà nhỏ của hai bà cháu nằm sâu trong con hẻm nhỏ, luôn khoá cửa im ỉm từ 5 giờ sáng. Bởi, đó là khoảng thời gian hai bà cháu cùng nhau đi…bán bánh bèo.

 

Hai bà cháu sống nhờ vào gánh bánh bèo. Ảnh: Minh Triều
Hai bà cháu sống nhờ vào gánh bánh bèo. Ảnh: Minh Triều

Gánh bánh bèo nhỏ của bà Cúc (bà nội Ngân) chứa đựng cả một tuổi thơ đầy khốn khó của Ngân. Không như bao đứa trẻ khác, được sinh ra và bảo bọc bởi ba mẹ. Ngân chưa đầy hai tuổi đã phải cùng bà nội đi khắp các con hẻm của thị trấn để mưu sinh. Bà ngồi bán bánh bên góc đường, cháu gái ngồi cạnh bên bi bô cười nói. Hình ảnh ấy cứ thế diễn ra hàng ngày, dù trời mưa hay nắng. Cô bé có nước da trắng ngần, đôi mắt to tròn ấy cứ thế lớn lên trong thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Và cũng bởi những thiếu thốn ấy mà Ngân sớm nhận thức được hoàn cảnh của mình. Cô bé có vẻ lớn hơn các bạn cùng trang lứa và ngoan ngoãn, giỏi dang.

Vừa nhanh tay nhào bột làm bánh, bà Cúc vừa buồn bã kể về những bất hạnh của cuộc đời bà và cô cháu gái. Con trai lập gia đình năm 1998. Vợ anh là một phụ nữ khuyết tật. Nhờ vào tính cần cù, chịu khó nên sau khi lập gia đình, hai vợ chồng cũng gắng gượng mưu sinh và chung sống hạnh phúc với nhau qua ngày. Bé Ngân ra đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, lúc Ngân được 8 tháng thì con trai bà qua đời vì một tai nạn. Mẹ bé Ngân dù sức khỏe yếu nhưng vẫn gắng gượng đi làm để nuôi con. Rồi bất hạnh lại ập đến khi tai nạn giao thông cướp đi mẹ khi bé Ngân vừa tròn 20 tháng. “Đó là khoảng thời gian cùng cực nhất với gia đình tôi. Nhìn cháu còn quá nhỏ mà phải chịu cảnh côi cút. Thương cháu, tôi phải gồng mình gắng gượng vượt qua nỗi đau để làm chỗ dựa cho cháu. Vừa làm ba, vừa làm mẹ để cháu mình được bù đắp phần nào những mất mát”-bà Cúc xúc động kể.

Ngày cháu bắt đầu bị bô tập nói, thay vì tiếng ba, tiếng mẹ, bà Cúc phải tập cho cháu tiếng nói đầu đời là bà nội. Rồi vất vả cũng dần vơi bớt khi Ngân lớn lên và bước vào mẫu giáo. Lúc này, bà không còn phải thường xuyên ẵm bồng cháu đi bán hàng nữa. Bà cũng đỡ xót xa hơn khi cháu mình không phải đội mưa đội nắng theo bà mưu sinh. Ở độ tuổi còn quá nhỏ này, có lẽ Ngân vẫn chưa thể cảm nhận hết được nỗi đau và mất mát của gia đình mình. Nhưng Ngân ý thức được rằng, hoàn cảnh của em khác với các bạn cùng trang lứa. Sau mỗi giờ ở trường, Ngân lại chạy nhanh về nhà phụ bà làm bánh và những việc vặt trong gia đình.

“Con chỉ thích bà sống thật lâu với con thôi. Con sẽ phụ bà làm bánh, sẽ đi bán bánh cho bà lúc bà mệt”- giọng đứa cháu chưa đầy 7 tuổi thỏ thẻ khiến đôi mắt bà Cúc như nhòe đi, những giọt nước mắt ứ ra chảy vào những vết nhăn trên hai gò má của bà. Với người bà ấy, giờ trăn trở lớn nhất là làm sao để có thể lo cho cháu ăn học, trưởng thành trong khi sức già có hạn, tuổi bà cũng đã cao. “Giờ ở đâu, làm gì bà cháu cũng có nhau, sau này tôi già yếu, không làm nổi nuôi cháu hoặc lỡ tôi mất đi, lấy chỗ nào cho cháu bấu víu, nương nhờ. Cứ nghĩ tới đó là tôi cầm lòng không nổi”-bà Cúc nghẹn ngào tâm sự.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm