Chuyện giảm nghèo ở Lâm Hà: Xóa bỏ tâm lý ỷ lại, "ngóng" chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những kết quả bước đầu khả quan trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, trong thời gian sắp tới, Lâm Hà (Lâm Đồng) sẽ tiếp tục tuyên truyền để xóa bỏ rào cản lớn nhất là tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân nghèo vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%/năm
Lâm Hà là một huyện của tỉnh Lâm Đồng với 14 xã, 2 thị trấn là Đinh Văn và Nam Ban. Với đặc thù đồi núi, có đến 30 dân tộc anh em sống đan xen gồm: K'ho, Mạ, Mơ nông, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Chăm... Vì vậy, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn đã được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm.
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh và nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó đề ra mục tiêu giảm nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2020 từ 1 - 1,5% trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 2-3%.

Huyện Lâm Hà thực hiện xây dựng và trao nhà tình thương cho một gia đình tại xã Đan Phượng. Ảnh: P.V
Huyện Lâm Hà thực hiện xây dựng và trao nhà tình thương cho một gia đình tại xã Đan Phượng. Ảnh: P.V
"Hiện nay, tất cả các xã của huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo là thành viên của các ban, ngành, đoàn thể. Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ đảng viên, đoàn thể phụ trách đến từng hộ nghèo. Ngoài ra, các xã đều thành lập Ban giám sát cộng đồng do Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc triển khai thực hiện các hợp phần của chương trình.
Đối với Chương trình 135, được công khai họp dân để phổ biến cho dân biết, dân bàn bạc, dân góp ý, dân thống nhất lựa chọn các hạng mục đầu tư sao cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương"- ông Đinh Đức Chí thông tin thêm.
Thay đổi nhận thức của người dân
Được biết, cuối năm 2019, UBND huyện Lâm Hà đã có 14/14 xã, thị trấn huyện Lâm Hà đã đáp ứng tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh) và 100% các thôn đặc biệt khó khăn đáp ứng tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Trong 5 năm qua, khi triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương đã góp phần giúp tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và giảm nghèo nhanh, bền vững. 
Đặc biệt, Chương trình 135 đã giúp cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, giảm khoảng cách về sự phát triển kinh tế giữa các dân tộc và giữa các vùng trên địa bàn huyện, góp phần làm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn 2021 - 2025, cần sự góp sức của toàn thể nhân dân. Do đó, trước hết phải xóa bỏ rào cản lớn nhất đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đó là tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân nghèo vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 
Vì vậy, cần đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề, nhất là dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, thực hiện tốt hơn chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai xây dựng nhanh các công trình trọng điểm; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và tăng giá trị thu nhập cho người lao động.
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm