Chuyện ăn Tết ở miền thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân dịp vui Xuân Tân Mão xin điểm qua một số phong tục có cải cách trong hai cái tết ở miền Thượng Đạo dưới thời Tây Sơn dựng cờ tụ nghĩa (1771-1773).
Sắm sửa Tết: Ăn tết ba ngày, chuẩn bị hơn nửa năm, lời nói ấy không ngoa. Giới chơi cảnh, chơi hoa từ vun trồng chăm sóc sao cho vừa tết; nhà nuôi gia súc vỗ về béo tốt kịp bán cuối năm, hoặc để dành mổ thịt; người sản xuất hàng hóa và kẻ bán buôn phải lo liệu đủ hàng tốt nhất để phục vụ tết.
Miếu Xà-Di tích Tây Sơn Thượng đạo tại An Khê. Ảnh: Trần Phong
Miếu Xà-Di tích Tây Sơn Thượng đạo tại An Khê. Ảnh: Trần Phong
Cái tết Nhâm Thìn (1772) và Quý Tỵ (1773) số người bất ngờ dôi lên gấp bốn năm lần người bản địa, hàng hóa tết cung không đủ cầu. Tuy nhiên, nguồn gia súc và hàng nông-lâm-thổ sản bấy lâu khủng hoảng thừa. Vả lại, nhờ công tác dân vận tốt nên chính quyền các cấp nhiệt tình ủng hộ và sớm hình thành các đoàn thể quần chúng từ Kinh đến Thượng nên cái tết đầu tiên ở vùng căn cứ khá hài hòa vén khéo. Do đó, những ngày giáp tết các ngôi chợ vừa nhóm nói chung và chợ An Lũy nói riêng rất tưng bừng và cũng rất trật tự.
Mấy ngày trước tết: Đàn ông lo cắt xén hàng rào, đánh bóng đèn đồng, trang hoàng bàn thờ, nhà cửa, trần thiết ghế bàn cây cảnh, mổ heo gói nem. Đàn bà xúm nhau làm bánh in, bánh chưng, bánh tét. Mượn gì, nợ gì phải lo trả trước tết. Dù bận  rộn cũng nấu nước ngũ vị hương rảy bàn thờ, nhà bếp để tẩy uế. Từ lúc cây nêu được trồng trước sân đến lúc xế ngày cuối năm mọi việc coi như hoàn tất, nhà nhà chuẩn bị tống cựu nghinh tân. Tiếp đến cúng tất niên, đồng thời đón rước tổ tiên. Từ giờ phút này đèn hương trên bàn thờ thắp suốt ba ngày đêm. Đó là việc dân lành.
Còn ở đồn lũy của quân Tây Sơn cũng dựng cây nêu, thay vì buộc vàng mã, họ treo trên đỉnh cây nêu một ngọn cờ đào và cung nỏ hướng ra bốn phía. Dân làng, dân bản tấp nập kéo về kèm theo đủ trâu bò, dê heo, thú rừng thổ sản và rượu đế rượu cần hàng hàng lớp lớp.
Đêm giao thừa-lễ Trừ tịch: Đêm 30 tết hết giờ Hợi sang giờ Tý là lúc giao thừa. Trừ là trao lại, Tịch là ban đêm. Lễ Trừ tịch cử hành lúc giao thừa là tiễn vị thần năm cũ đi, đón vị thần năm mới về. Giây phút ấy pháo nổ vang rền, khói bay mù mịt. Nhưng hai cái tết của nhà Tây Sơn vì lý do an ninh trên căn cứ địa nên quân dân gác lại câu: Tết là pháo, Pháo là Tết.
Lễ tết-Biếu tết: Theo truyền thống ngàn xưa, dù con rể, học trò đã công thành danh toại cũng phải “Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy” lần lượt đi  lễ tết và biếu tết, còn dân biếu tết quan, con nợ biếu tết chủ nợ. Ngược lại bề trên cũng có gì đó lì xì cho kẻ dưới, tùy theo hoàn cảnh không bắt buộc phải đủ lễ nghi, chỉ yêu cầu có văn hóa.
Những năm ấy, Bộ chỉ huy nhà Tây Sơn cắt cử nhiều bộ phận kết thành đoàn giương cao ngọn cờ đào đến chúc tết cơ quan công quyền, già làng bô lão và đáp lại, tại trung tâm An Lũy Tam kiệt và lãnh đạo nhà Tây Sơn đón đại biểu chính quyền, đoàn thể, lão thành trưởng bộ tộc về chúc tết.
Lễ chùa, đền miếu, hái lộc: Sáng mồng một sau cỗ cúng gia tiên, người ta đua nhau đi lễ chùa, lễ miếu cầu xin phật thánh phù hộ. Có người ra vườn chùa vườn miếu bẻ lấy một cành lá, tục gọi là năm mới có tài lộc cầm tay. Riêng hai cái tết dưới thời Tây Sơn tụ nghĩa người dân phớt qua chùa miếu mà lại kéo về doanh trại của nghĩa quân đóng trong vùng. Nhất là trung tâm An Lũy được Tam kiệt tiếp và tặng một lá cờ bằng giấy hồng đào khổ tựa bàn tay và Quân sư Trương Văn Hiến cho chữ trên giấy hoa tiên: Với nhà nông thì “Phong đăng hòa cốc”, với thương nghiệp thì “Nhất bản vạn lợi”, với nhà có cha mẹ già thì “Phúc tăng bách tuế”…
Riêng đêm mồng một, đèn đuốc rập rờn với tiếng trống chầu khoan nhặt, đoàn lân địa từ phố múa dẫn đến sở chỉ huy An Lũy, kết hợp với đoàn cồng chiêng các làng dân tộc đổ về cùng nhau nhảy múa, cùng nhau lắc lư, đêm mồng hai, tướng sĩ nhà Tây Sơn diễn võ, đêm mồng ba mồng bốn hát bội. Ban ngày cưỡi ngựa bắn cung, giục voi kéo gỗ… quân dân miền Thượng đạo hội về rất đông vui, xưa nay mới thấy….
Quốc Thành

Có thể bạn quan tâm