Chuỗi sản xuất cà phê ở Đắk Nông còn yếu nhiều khâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Nông hiện có diện tích cà phê đứng thứ 3 ở khu vực Tây Nguyên. Sản phẩm cà phê chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Do đó, việc nâng cao giá trị sản phẩm cà phê là khâu rất quan trọng.
Theo kế hoạch sản xuất năm 2021, tỉnh Đắk Nông có 137.683 ha cà phê, dự kiến năng suất đạt 2,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn. Trong đó, trên 18.700 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Cụ thể, tiêu chuẩn VietGAP có 570 ha; tiêu chuẩn hữu cơ 70 ha; tiêu chuẩn 4C, UTZ, Flo trên 19.756 ha... Trên địa bàn hiện đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cà phê.

Nông dân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi giá trị cà phê
Nông dân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi giá trị cà phê
Theo các chuyên gia phân tích, chuỗi sản xuất cà phê của Đắk Nông vẫn còn yếu ở nhiều khâu. Cụ thể, đối với đầu vào sản xuất, nông dân chủ yếu dựa vào các đại lý nhỏ ở cấp xã, huyện để mua các vật tư nông nghiệp, phân bón.
Các sản phẩm cung ứng cho nông dân như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ... có nguồn gốc vô cơ là chủ yếu. Người dân chưa có thói quen sử dụng phân bón hữu cơ, nên sản phẩm cà phê đạt hữu cơ chiếm tỷ lệ rất thấp.
Trong sản xuất cà phê, đa phần có quy mô, diện tích nhỏ lẻ. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng trang trại chỉ chiếm khoảng 2,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Phần lớn các nông hộ và trang trại đều sản xuất cà phê theo tập quán, kinh nghiệm là chính.
Sản xuất cà phê của Đắk Nông chủ yếu dựa vào thị trường ngắn hạn, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Chính vì vậy, trong khâu sản xuất thường chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như: giá cả, thiên tai, dịch bệnh…
Hiện có khoảng 95% nông dân thực hiện công đoạn phơi, sấy, xay xát cà phê tại nhà, theo phương pháp thủ công. Do đó, quy trình kỹ thuật về chống ẩm, mốc chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị cà phê.
Sản phẩm cà phê của Đắk Nông đang có 2 kênh tiêu thụ chính. Kênh thứ nhất là thị trường bán lẻ, chiếm khoảng 10% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Kênh tiêu thụ thứ hai là xuất khẩu, với 98% sản lượng cà phê toàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị đã được ngành chức năng, người dân chú trọng. Người trồng cà phê có nhiều cơ hội tham gia các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, khâu liên kết sản xuất cà phê thực tế vẫn còn yếu. Do đó, các nông hộ cần tiếp tục nâng cấp quy trình trong thực hành sản xuất cà phê bền vững, ứng dụng công nghệ cao và đổi mới tư duy, tổ chức sản xuất.
Trong đó, bao gồm các công đoạn để thực hiện hiệu quả khâu sản xuất như: quản lý vật tư nông nghiệp đầu vào, sản xuất hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch, chế biến, bảo quản cà phê đúng quy trình kỹ thuật…
Bài, ảnh: Văn Tâm (baodaknong.org.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.