Chư Pah: Phát huy vai trò chi bộ thôn, làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chi bộ và đảng viên ở các thôn, làng có vai trò quan trọng trong việc đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, những năm qua, Đảng bộ huyện Chư Pah (Gia Lai) đã chú trọng đổi mới, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Nhờ đó, nhiều vấn đề ở cơ sở được giải quyết kịp thời, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thay đổi  tập tục lạc hậu
Làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông) có 121 hộ dân, 100% là người Jrai. Trước đây, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; một số tập tục lạc hậu còn tồn tại. Trước tình hình đó, chi bộ làng Kép 1 đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chú trọng phát triển đảng viên là người trong làng, lựa chọn giải quyết từng vấn đề đặt ra một cách căn cơ.
Bí thư chi bộ làng Kép 1 Rơ Châm Uenh cho biết, chi bộ có 14 đảng viên. Trong những buổi sinh hoạt định kỳ hoặc sinh hoạt theo chuyên đề, chi bộ tập trung công tác chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xóa đói giảm nghèo; vệ sinh môi trường; giữ gìn an ninh trật tự; xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin; xây dựng gia đình văn hóa... Chi bộ cũng phân công đảng viên phụ trách từng lĩnh vực, cụm gia đình để theo dõi, phối hợp với các đoàn thể tích cực vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn, học tập mô hình phát triển kinh tế. Dần dần, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được cải thiện.
 Đảng viên chi bộ thôn, làng ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) trao đổi kinh nghiệm giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Đ.Y
Đảng viên chi bộ thôn, làng ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) trao đổi kinh nghiệm giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Đ.Y
Một trong những kết quả nổi bật mà chi bộ đã phấn đấu đạt được là vận động bà con xóa bỏ các tập quán lạc hậu trong đời sống như ma chay, cưới xin kéo dài hàng tuần gây lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ đây, bà con đến mừng cưới hay chia buồn không phải đóng góp heo, gà như trước mà chủ yếu là giúp nhau trong khả năng có thể. 
“Trước đây, trong làng có ma chay, cưới xin là bà con giúp, mừng bằng bò, heo. Để tỏ lòng với khách, gia chủ lại ngả bò, heo để thết đãi. Nhiều gia đình nghèo vì món nợ này mà cả đời không trả hết, kéo dài đến đời con cháu. Không trả được bằng tiền thì phải trả bằng đất sản xuất, đất ở”-ông Uenh cho biết.
Thấy được ý nghĩa thiết thực của việc tổ chức cưới hỏi, ma chay theo nếp sống mới, dưới sự lãnh đạo của chi bộ thôn, người dân trong làng đã ủng hộ và tích cực làm theo. Ông Rơ Châm Heng-người dân làng Kép 1-vừa tổ chức cưới vợ cho con trai út, tâm sự: “Nhờ được vận động thực hiện nếp sống mới, các đảng viên lại đi trước thực hiện nên bà con cũng hưởng ứng làm theo, không còn mừng cưới theo tục cũ mà bằng tiền mặt tùy theo khả năng. Mình vừa lo cưới cho con trai hết gần 30 triệu đồng, được bà con mừng cưới hơn 40 triệu đồng. Sau khi trang trải chi phí, phần còn lại mình cho con làm vốn để lập nghiệp”.
Giúp dân xóa đói giảm nghèo

Đảng bộ huyện Chư Pah hiện có 2.484 đảng viên, sinh hoạt ở 250 chi bộ, trong đó có 123 chi bộ thôn, làng; các chi bộ thôn, làng đều phân công đảng viên phụ trách địa bàn.


Trong khi đó, chi bộ thôn 6 (xã Nghĩa Hưng) xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo. Tất cả 38 đảng viên sinh hoạt tại 5 tổ Đảng đều phát huy tốt vai trò của người đảng viên trong việc đi đầu giúp người dân xây dựng cuộc sống mới. Bí thư chi bộ Trịnh Văn Nguyên cho rằng, muốn xóa đói giảm nghèo hiệu quả thì đảng viên phải đi trước, phải có kinh tế ổn định, sau đó mới vận động người dân làm theo. Cách làm hiệu quả mà chi bộ đang thực hiện là phân công cấp ủy viên giúp đảng viên, đảng viên giúp hộ quần chúng. Những cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách hộ nghèo phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo. Trên cơ sở đó, chi ủy, Ban Nhân dân thôn tổ chức họp bàn tìm giải pháp giúp từng hộ phương thức làm ăn, tăng thu nhập. Nhờ cách làm này, đến nay, thôn 6 không còn hộ nghèo, chỉ còn 6 hộ cận nghèo, góp phần cùng cả xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng, toàn xã có 21 chi bộ, trong đó có 17 chi bộ thôn, làng với 219 đảng viên. Các đảng viên ở thôn, làng được phân công phụ trách, giúp đỡ nhóm gia đình đã nắm bắt nguyện vọng của bà con cùng những vấn đề nảy sinh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết hiệu quả. Cuối năm 2017, Đảng bộ xã Nghĩa Hưng đã được công nhận 5 năm liền trong sạch vững mạnh (2012-2017).
Bí thư Huyện ủy Chư Pah Đoàn Bảy đúc kết: “Với phương châm “huyện nắm xã; xã nắm thôn, làng; thôn, làng nắm hộ gia đình”, hàng năm, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách địa bàn các xã, thị trấn; Đảng ủy các xã, thị trấn phân công đảng ủy viên phụ trách địa bàn thôn, làng. Hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên đã sâu sát hơn với tình hình. Phương thức hoạt động trên đã phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng và tham gia các phong trào địa phương của đảng viên, tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.