(GLO)- Trải qua 10 năm (2006-2016) xây dựng, lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn quốc nói chung và lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Gia Lai nói riêng đã vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngày 29-11-2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành quyết định thành lập Cục Cảnh sát Môi trường. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát Môi trường và ngày 29-11 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Môi trường.
Lực lượng Cảnh sát Môi trường kiểm tra cơ sở chế biến mỡ của bà Lê Thị Thông. Ảnh: Hữu Trường |
Thực hiện Quyết định của Bộ Công an, ngày 27-12-2007, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Gia Lai được thành lập. Công tác phòng-chống tội phạm về môi trường là lĩnh vực mới có liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, khoa học công nghệ. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Môi trường luôn xác định, muốn hoàn thành tốt công việc được giao phải chủ động, tự giác nghiên cứu các văn bản quy định của pháp luật, trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sử dụng các loại phương tiện máy móc để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Lực lượng Cảnh sát Môi trường đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, Phòng Cảnh sát Môi trường có 2 thạc sĩ, hơn 70% cán bộ đã tốt nghiệp và đang học đại học bố trí ở 4 đội nghiệp vụ, được trang bị các loại phương tiện máy móc đáp ứng yêu cầu công tác. Tại Công an các huyện, thị xã, thành phố đã có cán bộ phụ trách công tác phòng-chống tội phạm và các hành vi vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe cộng đồng. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã tăng cường bám địa bàn, nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp công tác chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Từ ngày thành lập đến nay, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phát hiện 1.760 vụ vi phạm. Trong đó, Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện 362 vụ, đề xuất, ra quyết định xử phạt 274 vụ với số tiền hơn 4 tỷ đồng, chuyển cơ quan chức năng xử lý 88 vụ, chuyển cơ quan Cảnh sát Điều tra các cấp khởi tố 8 vụ.
Với những thành tích đã đạt được, thời gian qua, nhiều lượt tập thể, cá nhân lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Gia Lai đã được Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng cục Cảnh sát và Giám đốc Công an tỉnh tặng bằng khen, giấy khen. Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh nhiều năm liền đạt các danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Đơn vị tiên tiến”. |
Trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, bảo vệ phát triển rừng, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thu thập thông tin tài liệu, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ. Trên cơ sở đó đã phát hiện các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ngoài tọa độ cho phép và những đối tượng khai thác khoáng sản, cất giữ lâm sản, mua bán vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên địa bàn các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Kông Chro, Kbang, Chư Pah, Ia Grai... Điển hình: phát hiện bắt quả tang 2 tàu vỏ sắt do Nguyễn Hữu Cảnh (SN 1973, trú tại 06A Chi Lăng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) làm chủ đang khai thác cát trái phép tại sông Sê San thuộc làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai; phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Ánh Thông khai thác trái phép 85 tấn đá bazan tại huyện Kbang; phát hiện và chuyển cho Công an huyện Chư Prông khởi tố vụ cất giữ lâm sản trái phép (137,5 m3 gỗ căm xe, chiu liu, dầu) tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông...
An toàn thực phẩm cũng là vấn đề nóng được các cấp, các ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhận thức được điều đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã triển khai nhiều biện pháp công tác, tập trung lực lượng đấu tranh, phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, bơm nước vào động vật trước khi giết mổ. Điển hình: phát hiện tại nhà ông Vũ Thiếu Hưng (SN 1973, địa chỉ 112/4/18 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đang cất giữ 640 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; phát hiện 8.310 kg mỡ đông, tóp mỡ không có nguồn gốc tại cơ sở chế biến mỡ của bà Lê Thị Thông (SN 1959, tại thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku); phát hiện 5 cơ sở giết mổ của Võ Thị Hồng Hoa, Huỳnh Thị Thủy, Nguyễn Thị Kim Thủy, Phan Hoàng Châu thực hiện hành vi bơm nước vào bò trước khi giết mổ.
Trên lĩnh vực xử lý chất thải, tình hình vi phạm diễn ra khá phức tạp, tập trung tại khu công nghiệp, các nhà máy đường, mì, chế biến gỗ, các cơ sở sửa chữa xe ô tô, cơ sở trộn bê tông… Hành vi vi phạm chủ yếu là xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, lưu giữ xử lý chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Điển hình: Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện Công ty cổ phần Giấy Gia Lai, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Tây Nguyên thuộc Khu Công nghiệp Trà Đa-TP. Pleiku xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường; Công ty Olam Gia Lai chôn lấp hơn 60 m3 chất thải gây ô nhiễm môi trường...
Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp đòi hỏi lực lượng Cảnh sát Môi trường phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực công tác, vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống đạt được để luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Đại tá Nguyễn Văn Minh
Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh