Chợ lan rừng nhộn nhịp"đón Tết", người dân đổ xô tận diệt loài hoa quý

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nắm bắt nhu cầu của thú chơi phong lan xa xỉ, nhiều người không ngần ngại bỏ thời gian, công sức lùng sục, săn lùng các loại phong lan quý hiếm ở rừng Tây Nguyên. Từ đây, các loài phong lan quý hiếm dần đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trên các tuyến phố như: Phan Đình Giót, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành… (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cảnh mua bán lan rừng diễn ra nhộn nhịp hơn.
Khu vực ngã ba đường Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn được giới chơi lan biết đến là chợ lan rừng lớn nhất ở TP.Buôn Ma Thuột. Khu chợ này có hàng trăm chủng loại lan được đánh giá là quý hiếm như: Giả hạt, long tu, kim điệp, thủy tiên….. được người dân bày bán tràn lan trên vỉa hè như rau muống. Giá của những loại lan này dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng/kg.
Ghé vào gian hàng của chị Nguyễn Thị M., tại chợ lan Phan Đình Giót, chúng tôi bắt gặp hàng chục chủng loại lan rừng được chị này bày bán trên vỉa hè. Theo chị M., hàng ngày, chị nhập lan rừng từ các huyện Buôn  Đôn, Ea Súp, Krông Bông... rồi mang về chia nhỏ ra bán lại kiếm lời.
“Trước đây, lan rừng nhiều nên nguồn hàng lúc nào cũng dồi dào. Giờ lan rừng cạn kiệt có nhiều khi đặt cọc tiền cho thợ săn lan nhưng họ cũng không dám nhận vì không hái đủ số lượng và chủng loại…”, chị M. cho biết.
 
Khu vực đường Phan Đình Giót được xem là chợ lan rừng lớn nhất TP.Buôn Ma Thuột.
Anh Nguyễn Văn Minh (ngụ TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, anh bắt đầu chơi lan rừng cách đây 4 năm. Những lúc rảnh rỗi, anh Minh ra chợ lan Phan Đình Giót để săn tìm những loại lan quý hiếm. Theo anh Minh, hiện nay, thú vui chơi lan đã trở thành trào lưu của mọi lứa tuổi. Sở dĩ, người dân hứng thú với lan rừng bởi vì loại hoa này không chỉ có hoa đẹp, hương thơm ngào ngạt mà còn dễ chăm sóc.
“Đối với lan rừng chỉ cần mua cây về bỏ vào chậu thêm vài cục than củi, xơ dừa hay giá thể gỗ… Sau đó, chỉ việc tưới nước là cây phát triển được. Phong lan là thú chơi tao nhã, dễ trồng nên lứa tuổi nào cũng chơi được…”, anh Minh cho hay.
Sau khi dò la thông tin của những người bán lan ở TP.Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã kết nối được với anh Y Van (ngụ xã Krông na, huyện Buôn Đôn) - một thợ săn lan rừng nổi tiếng ở huyện Buôn Đôn. Anh Y Van kể, anh làm nghề săn lan rừng gần 5 năm nay. Trước đây, cũng nhờ nghề này, anh Y Van có thể trang trải kinh tế trong gia đình. Tuy nhiên, đến nay lan rừng đã cạn kiệt, anh Y Van phải đi làm đủ nghề khác để lo cho các con ăn học.
“Trước đây ở huyện Buôn Đôn, Ea Súp còn nhiều rừng, phong lan nhiều vô số kể, chỉ cần đi một ngày là có thể cõng về đầy một bao tải lớn lan rừng. Thế nhưng, vài năm lại đây, rừng dần bị thu hẹp, lan rừng được nhiều người săn lùng nên ngày càng khan hiếm. Hiện mỗi chuyến vào rừng, tôi phải đùm theo cơm nắm, vào tận rừng sâu mới tìm được lan. Có những chuyến tôi đi gần 1 tuần, lặn lội hàng trăm cây số trong rừng sâu nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu lan không đủ trang trải chi phí”, anh Y Van kể.
Còn theo anh Nguyễn Mạnh Cường (một chủ vựa lan ở huyện Buôn Đôn), lan rừng có nhiều chủng loại và có những loại rất quý hiếm được giới chơi lan săn lùng như: Nghinh xuân, hoàng nhạn, giả hạt… “Đặc biệt là lan giả hạt được giới chơi lan rất ưa chuộng, có những giò giả hạt đẹp, hiếm, người chơi lan có thể bỏ ra từ vài triệu đến vài chục triệu để mua. Chính vì lẽ đó,loại hoa này bị săn lùng và có nguy cơ tuyệt chủng…”, anh Cường cho hay.
 
Lan rừng được bày bán như rau muống ở chợ lan Phan Đình Giót
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về tình trạng xâm hại lan rừng, ông Nguyễn Tuấn Linh, Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yók Đôn, huyện Buôn Đôn cho biết, lan rừng cũng nằm trong hệ sinh thái quần thể thực vật rừng. Do nhu cầu chơi hoa khiến loài thực vật này bị nhiều người săn lùng có nguy cơ tuyệt chủng.
“Tất cả các hành vi săn hái lan, xâm phạm đến hệ sinh thái của rừng đều vi phạm pháp luật. Thời gian qua, trong quá trình tuần tra rừng, đơn vị nhiều lần phát hiện và ngăn chặn được nhiều đối tượng có hành vi vào rừng săn hái phong lan. Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp, cảnh cáo, răn đe và tuyên truyền người dân không được xâm phạm vào hệ sinh thái của rừng. Trong những cuộc họp tuyên truyền bảo vệ rừng, chúng tôi cũng tuyên truyền, nghiêm cấm người dân vào rừng săn hái lan. Tất cả các hành vi săn hái lan rừng, xâm phạm vào hệ sinh thái của rừng đều vi phạm pháp luật”, ông Linh nói.
Mai Cường (Người Đưa Tin)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.